Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU

      (Trích dịch từ trang 498-501 của cuốn sách: Memoirs of Nikita Khrushchev: Volume 3: Statesman (1953–1964), Penn State University Press; 1 edition, June 20, 2013)
          Khrushsev viết về Hồ Chí Minh và về Hội nghị Genève
          Đồng chí Hồ Chí Minh đã chết (ông qua đời vào ngày mùng 3 tháng 9 năm 1969). Tin buồn đã được truyền đi trên các đài phát thanh suốt cả ngày hôm đó. Trong số những người tôi đã gặp gỡ trong khoảng thời gian hoạt động chính trị của mình, Hồ Chí Minh để lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Nếu có người nào đó nói rằng các tông đồ đã từng sống trên trái đất này thì Hồ Chí Minh là một trong những tông đồ đó, chỉ có điều, ông là tông đồ cách mạng. 

          Tôi làm quen với Hồ Chí Minh khi Stalin vẫn còn sống. Từ chiến khu, Hồ Chí Minh đã đến Liên Xô và Stalin đã có cuộc gặp gỡ với ông trong sự có mặt và chứng kiến của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao Liên Xô. Tôi sẽ không sa đà vào việc liệt kê tên tuổi những người đã có mặt tại cuộc gặp đó mà chỉ muốn kể về cảm nhận của mình. Có một điều gì đó giống như sự chân thành và thuần khiết luôn sáng lên trên khuôn mặt của Hồ Chí Minh. Đó là sự chân thành của một người cộng sản liêm khiết, một người rất nguyên tắc và tận tụy với công việc. Ông ấy thực sự là một thánh nhân.
Hồ Chí Minh đã kể với chúng tôi về con đường từ núi rừng chiến khu đến với đất nước Xô-viết, về việc ông đã đi bộ đến biên giới với Trung Quốc để từ đó có thể tới Liên Xô. Ông nói về cuộc đấu tranh đang diễn ra tại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của mình. Khi kể về vấn đề này, ông đã nhìn về phía Stalin và tất cả các các nhà lãnh đạo Liên Xô đang có mặt tại đây với một ánh nhìn hết sức đặc biệt. Tôi thấy trong cái nhìn đó một vẻ ngây thơ hết sức con trẻ. Ông đã chinh phục chúng tôi bằng sự nhiệt tình, trung thực và niềm tin vào tính chính đáng của các hoạt động cách mạng. Từng lời nói của ông đều khẳng định rằng, về mặt giai cấp, những người cộng sản là anh em với nhau và vì thế mọi cuộc đối thoại giữa những cộng sản luôn phải chân thành và trung thực nhất trong khả năng có thể.
           Hồ Chí Minh đề nghị chúng tôi giúp đỡ vũ khí cho những người Việt Nam đang chiến đấu. Ông nói rằng vô cùng biết ơn mọi sự giúp đỡ mà ông có thể nhận được từ Liên Xô cho cuộc chiến đấu của Việt Nam chống lại sự xâm lược của người Pháp. Tôi rất thích con người này và vì thế tôi cảm thấy bị xúc phạm bởi cái cách Stalin mô tả Hồ Chí Minh sau cuộc nói chuyện. Mặc dù tôi và những người đã có mặt ở đó không trao đổi thêm vể nội dung câu chuyện cũng như về nhân vật chính của nó, nhưng có thể dễ dàng nhận ra rằng nhiều người đã có cảm nhận giống tôi, không đồng ý với thái độ của Stalin, với những nhận xét tiêu cực về Hồ Chí Minh của đồng chí ấy. Stalin đã bình luận một cách hết sức miệt thị, khinh thường về Hồ Chí Minh, sử dụng những từ ngữ xúc phạm và sỉ nhục. Trong những lời nói đó, không hề có bất kỳ một sự chân thành nào hết, dù chúng tôi đã rất muốn Stalin với tư cách một người lãnh đạo của phong trào cộng sản thế giới thể hiện sự chân thành trong quan hệ với một lãnh đạo cộng sản như Hồ Chí Minh, người đã có thể tổ chức các phong trào đấu tranh ở nước mình trong những điều kiện hết khó khăn, phát động dân tộc mình đứng lên và trong nhiều năm trời đã tiến hành thành công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Hẳn là nên bày tỏ một thái độ tôn trọng hơn khi có sự hiện diện của người đàn ông này. Cũng có thể cảm ơn ông ấy bởi sự hy sinh quên mình vì sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản- một sự nghiệp mà ông ấy đã phục vụ với tất cả nỗ lực và khả năng của mình.
           Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, Hồ Chí Minh đã lấy từ cặp của mình ra một cuốn tạp chí Xô-viết. Theo trí nhớ của tôi thì đó là tạp chí Liên bang Xô-viết trên công trường xây dựng (The USSR Under Construction). Hồ Chí Minh đề nghị Stalin viết tặng mình một điều gì đó lên tạp chí ấy (thời kỳ đó, việc xin bút tích theo truyền thống của người Pháp là việc hết sức phổ biến và Hồ Chí Minh – một người đã từng sống nhiều năm trên đất Pháp cũng không là ngoại lệ). Có lẽ, Hồ Chí Minh đang tưởng tượng đến viễn cảnh khi trở về Việt Nam sẽ cho mọi người xem bút tích của Stalin. Tôi không rõ điều gì xảy ra, nhưng có lẽ tính đa nghi bệnh hoạn, nhìn đâu cũng thấy kẻ tình nghi và phản bội của Stalin đã trỗi dậy. Sau đó, ông ta đã ra lệnh cho an ninh Liên Xô tìm và lấy lại cuốn tạp chí. Có thể, Stalin đã cảm thấy thiếu thận trọng khi ký tên mình vào bìa cuốn tạp chí. Không khó khăn gì, sau khi lục tung một cách kỹ lưỡng mọi thứ tại nơi ở của Hồ Chí Minh, an ninh đã mang về cuốn tạp chí. Sau đó, Stalin đã nói một cách “khôi hài”: “Về đến nhà, Hồ sẽ tìm cuốn tạp chí, nó đã biến mất và ông ta chỉ phí công”. Tôi không biết liệu Hồ có nói với ai về sự biến mất kỳ lạ của cuốn tạp chí hay không, nhưng tôi hình dung một cách đầy đủ cảm giác của Hồ khi mở hành lý của mình ra và nhận thấy rằng cuốn tạp chí quý báu đã bị mất. Hãy thử tưởng tượng: Một thứ nọc độc sẽ dần len lỏi vào tâm hồn một con người đầy nhiệt huyết như Hồ!
             Trong chuyến thăm này, Liên Xô đã quyết định công nhận Việt Nam DCCH. Sau đó, Stalin thường nhắc đi, nhắc lại chuyện này và tỏ ý tiếc rằng “chúng ta đã quá vội vã, chúng ta không nên công nhận họ. Chúng ta công nhận họ quá sớm”. Điều này chứng tỏ Stalin không hề tin tưởng vào khả năng thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam mà Hồ Chí Minh là một trong những người lãnh đạo. Tuy nhiên, câu chuyện công nhận đã được quyết định và thực hiện, còn Stalin thì không thể trách cứ bất kỳ ai.
Tôi còn nhớ một sự cố phiền hà khác. Hồ rất muốn chuyến thăm của ông tới Moscow được công bố công khai. Ông đã nói với Stalin về mong muốn này. Tôi không có mặt khi câu chuyện này xảy ra mà chỉ được nghe Stalin kể lại. Stalin kể cho chúng tôi rằng, Hồ muốn được tiếp đón công khai với tư cách nguyên thủ quốc gia của Việt Nam. Stalin đã nói với Hồ Chí Minh: “Thời điểm đã bị bỏ lỡ. Đồng chí đang ở Moscow. Đồng chí đến đây không báo trước, vậy chúng tôi phải thông báo thế nào về đồng chí bây giờ?”. Hồ trả lời: “Có thể làm thế này: Cho tôi một cái may bay, tôi sẽ bay một vòng trên bầu trời, các đồng chí chuẩn bị một buổi đón tiếp và khi tôi hạ cánh sẽ được đón tiếp với nghi lễ trọng thể dành cho người đứng đầu nhà nước”. Stalin cười phá lên một cách chế nhạo: “Hãy tưởng tượng Hồ Chí Minh đã muốn gì. Hồ đã muốn điều đó. Ha! Ha!”. Không. Stalin đã không mảy may tin tưởng vào thắng lợi của phong trào đấu tranh du kích ở Việt Nam.
Một thời gian sau khi rời Liên Xô, Hồ Chí Minh đã gửi văn bản yêu cầu chúng tôi viện trợ ký ninh (Quinine) cho Việt Nam, vì mọi người ở đó đang bị hành hạn bởi căn bệnh sốt rét ác tính. Ký ninh được sản xuất tại Liên Xô bằng phương pháp công nghiệp với số lượng lớn. Trong một phút “hào phóng” bất chợt, Stalin ra lệnh: “Hãy gửi cho anh ta nửa tấn". Chỉ nửa tấn? Đó là khối lượng dành cho những người đang từng ngày, từng giờ đổ máu trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược ngoại bang. Chúng tôi nhìn nhau và cảm thấy bất bình. Sao ông ta có thể không xấu hổ khi hà tiện như vậy – một sự hà tiện mà thậm chí chúng tôi không biết dùng từ gì để gọi nó. Rõ ràng, Stalin đã không hiểu rằng nửa tấn ký ninh là quá nhỏ bé trong so sánh với những gì Hồ đã phải trả giá cho cuộc đấu tranh.

             Tôi đã gặp Hồ Chí Minh nhiều lần. Khi nhớ về ông, tôi muốn kể lại kỷ niệm về những công việc chúng tôi đã hợp tác với nhau vào thời điểm chuẩn bị cho Hội nghị Genèva năm 1954 về Việt Nam. Thời gian đó, chúng ta (Liên bang Xô viết) có quan hệ rất tốt với Việt Nam cũng như với CHND Trung Hoa. Trong một Hội nghị trù bị tại Moscow, Chu Ân Lai đại điện cho Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đại diện cho Việt Nam đã có mặt. Chúng tôi cùng bàn bạc về lập trường chung tại Genèva và phân tích tình hình Việt Nam. Tình hình Việt Nam rất trầm trọng và bi đát, phong trào giải phóng dân tộc bên bờ vực của sự sụp đổ và những người kháng chiến cần một hiệp định để những thành quả mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống xâm lược có thể được đảm bảo. Hà Nội nằm trong tay người Pháp và những người kháng chiến dù cố gắng đã không thể giành lại. Những thành phố và tỉnh thành khác cũng bị người Pháp chiếm đóng. Nếu thể hiện trên bản đồ những yêu cầu ưu tiên số một của chúng tôi (đình chiến với giới tuyến 16-TG), thì trên miền Bắc Việt Nam vẫn còn rất nhiều địa điểm mà quân đội chiếm đóng Pháp vẫn có thể ở lại, kể cả trong trường hợp các đề nghị của chúng tôi [tại Hội nghị Geneve] được đáp ứng đầy đủ.
             Sau một trong những phiên họp tại Hội trường Catherine của Điện Kremlin, Chu Ân Lai đã kéo tôi vào một góc và thông báo: “Đồng chí Hồ nói với tôi rằng, tình hình rất vô vọng. Trong thời gian tới, nếu không đạt được thỏa thuận ngừng bắn, họ sẽ không thể cầm cự chống lại quân đội Pháp. Họ đã quyết định rút lui về phía biên giới với Trung Quốc, hy vọng như vậy Trung Quốc có thể mang quân sang chiến đấu, giúp nhân dân Việt Nam đánh đuổi người Pháp khỏi Việt Nam giống như trước đây đã chiến đấu ở Bắc Triều Tiên”. Sau đó, Chu Ân Lai nói thêm rằng, họ [Trung Quốc] không thể thực hiện yêu cầu đó, vì ở Triều Tiên họ đã hy sinh quá nhiều, đã trả giá đắt cho chiến tranh, họ không đủ lực để vướng vào một cuộc chiến tranh mới, vì thế, không thể đáp ứng yêu cầu của Hồ. Tôi nói với đồng chí Chu Ân Lai: “Một cuộc đấu tranh khốc liệt đang diễn ra, người Việt Nam đang chiến đấu rất tốt và người Pháp đang phải chịu thương vong nặng nề. Vì thế, đồng chí không nên nói với Hồ Chí Minh rằng các đồng chí không thể giúp đỡ họ nếu họ rút lui tới biên giới Trung Quốc dưới áp lực của người Pháp. Hãy coi đó là một lời nói dối cần thiết. Hãy để cho người Việt Nam tin rằng họ sẽ được giúp đỡ. Điều đó sẽ trở thành nguồn động viên đối với phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược”. Chu đồng ý sẽ không nói với đồng chí Hồ rằng Trung Quốc sẽ không tham gia cuộc chiến đấu chống Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Sau đó, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi đoàn đại biểu các nước vừa đến Genève, lực lượng du kích Việt Nam đã lập một chiến công vang dội, hạ gục pháo đài Điện Biên Phủ của người Pháp [5-1954]. Trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị Genève, Mendès-France – người đứng đầu chính phủ Pháp đã đề nghị rằng, quân đội Pháp sẽ chỉ hiện diện từ vĩ tuyến 17 trở vào phía Nam. Phải thừa nhận rằng, khi thông tin này được chuyển tới chúng tôi từ Genève, chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy hết sức hài lòng. Chúng tôi đã không chờ đợi điều đó. Đó là những gì tối đa mà chúng tôi hướng tới. Chúng tôi đã chỉ thị cho đại diện của mình ở Genève yêu cầu để đường ranh giới phân chia Việt Nam dịch chuyển về phía Nam đến vĩ tuyến 15, song chúng tôi cũng chỉ đạo rằng, đó chỉ là lập trường đàm phán và đề nghị của Mendès-France cần phải được chấp thuận; bằng cách đó, chiến thắng của những người cộng sản Việt Nam được đảm bảo. Hiệp ước đã được ký kết như thế và nhanh chóng có hiệu lực.
Mendès-France đã đánh cược chính bản thân mình. Ông ấy đã đánh giá tình hình một cách chính xác và tỉnh táo. Những người du kích Việt Nam có những khó khăn của mình, song quân đội Pháp ở đó cũng có không ít khó khăn. Đây là một bước đi khôn ngoan – bước đi đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh của nước Pháp ở Việt Nam. Người Pháp rút lui khỏi cuộc chiến và quân đội Pháp triệt thoái.
            Mọi thứ sẽ tốt đẹp nếu Hiệp định Genève được thực hiện. Trong vòng hai năm, sẽ tổ chức tổng tuyển cử trên toàn cõi Việt Nam và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Hồ Chí Minh, hay lực lượng cộng sản và các lực lượng tiến bộ khác của đất nước này sẽ chiến thắng trong bầu cử. Tuy nhiên, kẻ khó chịu John Foster Dulles đã mọc ra và Hoa Kỳ tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài chống lại Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay [tức năm 1969]. Tôi sẽ không nói về cuộc chiến tranh này nữa, vì hiện nay nó đang diễn ra. Còn câu chuyện nói trên - hãy kiểm chứng! Rất nhiều chính trị gia biết câu chuyện này.


1 nhận xét:

  1. Bài viết có tính Trung lập cao, đáng tin cậy dù tác giả là nhân vật nổi tiếng thời kỳ Chiến tranh lạnh!

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!