Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

TRI GIÁC LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Nguyễn Thị Mai Hoa (dịch)
Nội dung của tri giác lịch sử không chỉ xác định khả năng của con người và xã hội ghi nhớ, hay quên đi những sự kiện cụ thể của quá khứ. Quá trình ghi nhận không đơn thuần mang tính tự động: Bảo tồn trong tri giác và truyền lại cho thế hệ sau những thông tin được coi là quan trọng và tin cậy. Khi nghiên cứu những tác phẩm lịch sử cho thấy khái niệm về “sự tin cậy” – tính khách quan, khoa học lại rất khác nhau trong những xã hội khác nhau. Nhận thức về những vấn đề quan trọng cần biết để hiểu về quá khứ cũng thường xuyên thay đổi, bị phụ thuộc vào nghĩa vụ và lợi ích của các quần hệ, các nhóm xã hội. Những thông tin thu hút sự chú ý đặc biệt của một xã hội nào đó, lại có thể bị những người thuộc hệ tư tưởng khác chú ý một cách không đáng kể.

Những nhà chép sử đã nhào nặn, pha trộn trong các công trình của mình những câu chuyện kể về chiến tranh, về những cuộc giao tranh quân sự, những hoạt động của những người đứng đầu nhà nước, những nhân vật có tầm ảnh hưởng thuộc tầng lớp quý tộc, nhà thờ. Tương tự, bên cạnh những sự kiện lớn diễn ra trên thực tế, họ cũng viết trong các tác phẩm của mình những thông tin về các hiện tượng tự nhiên (động đất, thiên tai…), ghi chép lại những sự kiện lịch sử, mà theo những quan điểm hiện đại về lịch sử thì chẳng mấy ý nghĩa. Các nhà sử học châu Âu thế kỷ XIX không mấy khác biệt so với những nhà sử học trước đây trong thời kỳ cổ đại - những người quan niệm rằng, cần thiết phải ghi lại trong các công trình của mình những hành vi có tính chất chính trị. Theo quan điểm của họ: Chiến tranh, khởi nghĩa, những cải cách chính trị, quan hệ giữa các quan lại… – tất cả những điều đó đều là đối tượng cơ bản của sử học. Họ không hề quan tâm tới đời sồng kinh tế, đời sống sinh hoạt hàng ngày, quan hệ giữa những người bình thường. Loại hình sử học mà họ xây dựng nên có thể gọi là câu chuyện kể về những hành vi.
Hiện nay, một trong những hướng nghiên cứu rất phổ biến là nghiên cứu lịch sử đời sống sinh hoạt thường nhật, nơi mà đối tượng nghiên cứu chính là cuộc sống riêng, quan hệ họ hàng, bạn bè, điều kiện lao động và điều kiện sống hàng ngày, những hình dung về thế giới, cũng như đời sống tình cảm của con người. Cuộc sống thường nhật không phải là một phát minh mới đối với những nhà bác học hiện thời. Trong nhiều xã hội, có tập quán ghi chép những sự vận động, đồng thời, tồn tại những hình thức biên niên cá nhân, ghi lại cuộc sống của những gia đình riêng biệt, cụ thể, ghi lại đời sống nhà thờ, đời sống xã hội thượng lưu. Con người quan tâm bảo tồn những kỷ niệm về tổ tiên của mình, về những hành vi cao thượng, hào hiệp hay thấp hèn của tổ tiên họ, về nơi mai táng, về sự tham gia của tổ tiên vào những sự kiện quan trọng nào đó. Tất nhiên, phần lớn những sự kiện xảy ra được ghi lại trong lịch sử của những xã hội khác nhau, không thuộc về những biên niên và công trình lịch sử chính thức. Với tư cách là phương thức bảo tồn tri giác về quá khứ và với tư cách là phương thức khởi đầu nhận thức quá khứ, lịch sử chỉ tồn tại trong cái thống nhất của những hình mẫu khác nhau của “những lịch sử”: Phạm vi của chúng được xác định bởi sự quan tâm của quần hệ, tham vọng của các tác giả, cách tiếp cận đối với bản thân khái niệm “lịch sử”.
Hình dung về chân lý, tính chân thực của các sự kiện lịch sử ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc của tri giác lịch sử. Những công trình lịch sử xuất hiện trong những xã hội khác nhau bao gồm cả những câu chuyện về những sự kiện viễn tưởng, phi thường mà con người không hề nghi ngờ chút gì về tính chân thực của nó và cho rằng, cần phải lưu truyền nó từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lịch sử của rất nhiều những dân tộc, các triều đại vĩ đại khác nhau cũng đã được khám phá nhờ vào những câu chuyện về thần thánh, về những nhân vật được coi là thuỷ tổ, coi là những người khởi xướng cho mọi sự kiện của tương lai. Ở châu Âu trung đại, một trong những thành tố không thể thiếu của các công trình sử học chính là những câu chuyện về những hiện tượng mầu nhiệm – những hiện tượng được đánh giá là quan trọng nhất trong những gì đã diễn ra. Cái gì đã khiến con người tin vào những sự kiện huyền bí đó? Phải chăng nó trở nên dễ được tin cậy trong điều kiện học vấn và trí tuệ không mấy phát triển? Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là tại sao trong những đất nước rất phát triển của thế giới cũng tồn tại một niềm tin vững chắc vào những huyền thoại dân tộc, còn trong những nhận thức phổ thông, những sự kiện, nhân vật cụ thể của quá khứ lại thâu nhận những đặc điểm gần với những nhân vật huyền thoại và với những nhân vật siêu nhiên của quá khứ xa xưa?
Có thể là bản thân sự hiểu biết về tính chân thực, về ý nghĩa những sự kiện của quá khứ của những nhà sử học châu Âu trung đại mang ý nghĩa khác biệt so với quan niệm của các nhà sử học đương đại. Đối với những nhà sử học châu Âu trung đại, quan niệm về tính chân lý và chân thực chính là những ý kiến sáng suốt, tỉnh táo - những ý kiến ngay từ đầu tiên đã chia các sự kiện ra thành đúng, không đúng và tính chân thực của những thông tin về những sự kiện ấy. Những con người cổ, trung đại và cận đại luôn luôn mong muốn phân biệt những sự kiện hiện thực với những sự kiện được tưởng tượng ra, khát khao khẳng định sự chân thực của các sự kiện. Tuy nhiên, ranh giới ngăn cách giữa cái hiện thực và không hiện thực, giữa cái thực tế và tưởng tưởng được xác định rất khác nhau bởi những xã hội, những nhóm xã hội cũng rất khác nhau. Đối với rất nhiều thời đại, cái huyền bí và cái siêu nhiên cũng rất hiện thực chẳng kém những sự kiện như chiến tranh, mất mùa, hay việc xây dựng nhà thờ. Hướng về cái hoàn mỹ, con người tìm kiếm bệ đỡ từ chúng và không ngần ngại cho nó là sự kiện chân thực. Những câu chuyện truyền miệng, những câu chuyện về tổ tiên, thần thành trở thành cơ sở đầy đủ để khẳng định tính hiện thực của những sự kiện bình thường nhất – theo đó, những huyền thoại, truyền thuyết đã trở thành hình thức đặc biệt trong tri giác lịch sử và nhận thức lịch sử. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng “làm sai lệch” tri giác về quá khứ: Những nhà tu hành trung cố mô tả lại những sinh hoạt lễ lạt thường ngày, ghi chép lại những lưu trữ tu viện và biên soạn những biên niên tu viện, rất có thể ghi thêm vào đó những thông tin về những sự kiện, mà tri giác của những người đi trước họ không lưu giữ. Phải chăng họ là những kẻ xuyên tạc, viết ra những điều không thực trong hàng chuỗi những thông tin đã được khẳng định của sự kiện lịch sử, hoặc là chính họ có những nhận thức như thế về tính chân lý và chân thực? Có thể chính niềm tin ngây thơ của họ vào tính chân thực của một hiện tượng nào đó trong quá khứ đã khiến họ khẳng định điều đó trên thực tế. Ghi chép lại những thông tin tưởng tượng, người ghi chép có thể đang tưởng tượng rằng, họ đang phục dựng lại sự thật lịch sử, chứ không phải đang xuyên tạc nó.
Tri giác lịch sử và bao hàm trong nó nhận thức lịch sử có quan hệ với những hiện tượng của đời sống xã hội và nền văn hóa – những hiện tượng mà nội dung của nó được xác định bởi những hình dung, những nhận thức của những xã hội và nhóm xã hội rất khác nhau về tính hiện thực, tính chân lý và tính chân thực. Những hình dung, nhận thức này thay đổi theo thời gian, có nguồn gốc trong thế giới quan, trong những tập quán tinh thần, trí năng của những dân tộc và nền văn minh riêng biệt. Những xã hội khác nhau và bên trong chúng là những nhóm xã hội riêng biệt, không chỉ hình thành những dạng thức nhận thức và tri giác lịch sử hoàn toàn đặc trưng cho chúng, mà còn tồn tại những mức độ hiểu biết quá khứ rất khác nhau. Trong đó, quan điểm coi quá khứ là một quá trình phát triển và rất quan trọng đối với nhận thức thực tại - đó cũng là đặc điểm của tập quán Hy Lạp – La Mã và Do Thái – Cơ đốc giáo, đã được lịch sử đương đại kế thừa có ý thức. Làm sáng tỏ bức tranh lịch sử, bảo tồn tri giác về lịch sử của chính mình trong những nền văn hóa nói trên được coi như là phương thức giải quyết những vấn đề nóng hổi. Lịch sử đóng vai trò giống như thầy giáo của cuộc sống và giống như công cụ nhận thức quá khứ.

Nguồn:  Bản dịch một nội dung trong cuốn giáo trình: ИСТОРИЯ ИСТОРИЧЕСКОГО ЗНАНИЯ (tác giả: Репина Лорина Петровна, Зверева Вера Владимировна, Парамонова Марина Юрьевна).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!