Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

CHIẾN TRANH VIỆT NAM KẾT THÚC 30 NĂM TRƯỚC


GABRIEL KOLKO (Mai Hoa dịch)
Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào 30 năm trước bằng một chiến thắng hoàn toàn thuộc về những người Cộng sản.  Đây là cuộc chiến có sự tham gia của hơn nửa triệu binh lính Mỹ cùng các lực lượng quân sự Úc, Nam Hàn và một số nước khác.Đây cũng là cuộc chiến tranh  kéo dài nhất, hao người, tốn của và gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nếu xét theo các tiêu chí quân sự thông thường, thì lẽ ra người giành chiến thắng phải là nước Mỹ - một quốc gia đã đổ vào cuộc chiến 15 triệu tấn vũ khí (tương đương với lượng vũ khí đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 2).

Trong mọi tiêu chí so sánh về quân sự, nước Mỹ chiếm ưu thế hơn hẳn so với đối phương, vậy mà họ vẫn thất bại.
Dưới sự chỉ huy của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Quân đội Sài Gòn cũng hùng mạnh vượt trội so đối phương của họ. Vào đầu năm 1975, Quân đội Sài Gòn sở hữu vũ khí pháo binh nhiều gấp 3 lần Quân đội Việt Nam DCCH, số xe tăng và xe thiết giáp nhiều gấp đôi, có 1400 máy bay và thực sự độc chiếm bầu trời. Về quân lực chiến đấu, Quân đội Sài Gòn cũng có ưu thế vượt hẳn với tỷ lệ 2:1 - khoảng 700.000 so với 320.000 quân miền Bắc Việt Nam.
Cho đến đầu 1975, lãnh đạo Việt Nam DCCH đã dự kiến cuộc chiến sẽ phải kéo dài hơn một thập kỷ. Tôi đã từng ở miền Nam Việt Nam vào cuối năm 1973, ở Hà Nội suốt tháng Tư năm 1975, ở Huế và Đà Nẵng 4 ngày cuối cùng của cuộc chiến. Tôi tin chắc rằng, những nhà lãnh đạo Bắc Việt cũng ngạc nhiên không kém gì người Mỹ khi họ giành được chiến thắng một cách nhanh chóng đến vậy. Cuối năm 1973, tôi đã nói với họ rằng chiến tranh có thể chấm dứt với việc chế độ Sài Gòn bị lật đổ mà không cần phải nổ ra một cuộc chiến nghiêm trọng nào tương tự như như tình hình Quốc dân Đảng ở Trung Quốc sau năm 1947, nhưng lúc bấy giờ một thành viên tương lai của Bộ Chính trị sau này đã coi dự đoán của tôi là một sự "điên rồ". Việc họ đã hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào trong việc điều hành một quốc gia và các chính sách kinh tế lộn xộn, không phù hợp thực tiễn của họ từ sau năm 1975 đã cho thấy điều đó.
Phía Mỹ và phía Việt Nam Cộng sản đều giống nhau ở chỗ có cái nhìn thiển cận về chiến tranh. Thực ra, những gì diễn ra trên các lĩnh vực cận chiến tranh có tính quyết định hơn đối với cuộc chiến hơn là tính toán quân sự. Điều này đã đúng đối với Trung Quốc vào cuối những năm 1940, Việt Nam vào năm 1975 và cũng đúng trong trường hợp Iraq ngày nay
Miền Nam Việt Nam là một xã hội được đô thị hóa một cách nhân tạo, trong đó, nền tảng kinh tế là viện trợ của Mỹ. Khi cuộc chiến tranh Trung Đông nổ ra năm 1973 khiến cho giá dầu tăng, gây ra lạm phát tràn lan, Mỹ đã giảm dần viện trợ cho miền Nam Việt Nam. Lúc này, chính cái xã hội và quân đội cơ giới được người Mỹ tạo ra đã trở thành một gánh nặng đối với chính nước Mỹ.
Miền Nam Việt Nam đã mục nát ngay từ khi người Mỹ cố tình tạo ra nó vào năm 1955 bất chấp quy định của Hiệp định Geneva về một cuộc Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thiệu - một người Công giáo trong đất nước mà Phật giáo chiếm ưu thế đã trói buộc và nuôi dưỡng lòng trung thành của các tướng lĩnh và bộ máy quan liêu của mình bằng cách cho phép họ được làm giàu trên lưng người dân. Một người Việt Nam bình thường, không kể họ là Cộng sản hay chống Cộng, đều không muốn trung thành với chế độ Thiệu - một chế độ cướp bóc/bóc lột họ. Từ năm 1973, cùng với việc lạm phát gia tăng, lương quân nhân không đủ sống và họ bắt đầu sống nhờ vào đất đai. Tầng lớp trung lưu đô thị ngày càng trở nên bần cùng hóa và lòng tin vào chế độ Thiệu vì thế mà ngày càng suy giảm. Chế độ Thiệu chỉ thừa nhận có 32,000 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, nhưng trên thực tế, các ước tính lại cho thấy con số lớn hơn thế rất nhiều.
Đến đầu năm 1975, chế độ miền Nam Việt Nam bắt đầu suy thoái, thể hiện trên mọi tiêu chí: Kinh tế, chính trị, quân sự. Trước sự tiến công như vũ bão của Quân đội Bắc Việt, Quân đội Sài Gòn đã tháo lui khỏi chiến trường từ tháng 3-1975. Bên cạnh đó, Chính quyền Nixon đã rơi vào thế bị động sau vụ bê bối Watergate và sau khi Nixon bị buộc phải từ chức. Tổng thống Gerald Ford lên nắm quyền chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ, giúp đỡ kinh tế, chính trị cho chế độ Thiệu đang sụp đổ.
Vào thời điểm này, quân đội Mỹ đã quá mất tinh thần để có thể tiếp tục tham gia chiến tranh. Washington khẳng định rằng chiến lược ngoại giao của họ đã thành công khi đẩy Moscow và Bắc Kinh sang một bên với việc hai quốc gia đó không mấy mặn mà trong việc ủng hộ/hỗ trợ cho chiến lược ngoại giao tam giác của Việt Nam. Nhưng sự thất bại của chiến tranh Việt Nam đã không không liên quan đến những gì mà các đồng minh của Hà Nội đã  làm - về cơ bản họ đã thực hiện những điều mà nước Mỹ mong muốn, đó là cắt giảm viện trợ về quân sự cho miền Bắc Việt Nam. Vấn đề nằm ở chỗ, nguyên do sụp đổ của chế độ này không nằm ở các thiết bị quân sự. Những người Cộng sản Bắc Việt đã kinh ngạc trước chiến thắng nhanh chóng và hoàn toàn của mình trước Quân đội Sài gòn mạnh hơn về trang thiết bị, song đã mất hết ý chí chiến đấu và tan rã ngay lập tức.
Như vậy, nỗ lực quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ từ năm 1945 đã kết thúc. Có rất nhiều điểm tương đồng rõ rệt với những dự án không mang lại mấy hiệu quả ở Iraq và Afghanistan ngày nay. Bài học đó khiến có thể đưa ra một kết luận rằng các chính quyền Washington sau này đã không có khả năng rút kinh nghiệm từ các sai lầm trong quá khứ. Thất bại hoàn toàn tại Việt Nam 30 năm trước lẽ ra phải là một lời cảnh báo đối với nước Mỹ: Với bất kỳ một quốc gia nào, kể cả đó là quốc gia hùng mạnh nhất, thì chiến tranh là một quá trình hết sức phức tạp và thực hiện nó cần phải tính đến các nguy cơ nghiêm trọng. Đó không chỉ đơn giản là các cuộc diễn tập quân sự, nơi mà quyền quyết định chỉ thuộc về các thiết bị và hỏa lực, mà còn phải tính đến những thách thức về chính trị, tư tưởng, kinh tế. Các sự việc tại miền Nam Việt Nam 30 năm là minh chứng sống động cho kết luận trên, nhưng người ta đã không thể hiểu ra điều đó.
 Mai Hoa dịch, Nguồn: The End of the Vietnam War, 30 Years Ago, Counterpunc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!