Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

LUẬN BÀN VỀ TÍNH KHÁCH QUAN VÀ CHÂN THỰC CỦA TRI THỨC LỊCH SỬ


Thành phần của tri giác lịch sử phụ thuộc phần lớn vào giác độ khách quan và lý tính: Quần hệ xã hội vô thức hoặc có ý thức hướng về quá khứ với tư cách là nguồn gốc của thông tin. Nhận thức mang tính phổ thông lĩnh hội quá khứ một cách cảm tính, tìm kiếm ở đó sự khẳng định những mong đợi, những quan điểm của mình, nhẹ nhàng xoá bỏ ranh giới giữa những hình ảnh chân thực và những hình ảnh tưởng tượng của sự kiện. Về mặt xã hội hay văn hóa, tri giác chỉ ra sự gắn bó liên tục giữa các thế hệ, đưa ra những ví dụ về kinh nghiệm – những kinh nghiệm có thể được sử dụng ở hiện tại.

Trong cơ sở của nhận thức khoa học lịch sử – ngoài việc thừa nhận sự khác nhau giữa quá khứ và hiện tại, đòi hỏi tính xác thực của thông tin, mà trên cơ sở đó, quá khứ có thể được dựng lại, còn có sự hoài nghi thường xuyên rằng, ở mức độ nào các hiện tượng lịch sử có thể đối chiếu, so sánh với những yếu tố của đời sống hiện thời? Với tư cách là kinh nghiệm của đời sống xã hội, mà thiếu nó, xã hội đương đại không thể nhận thức chính mình và xác định con đường phát triển, lịch sử được coi là khoa học dựa trên sự đánh giá có phê phán và trên nhận thức về phương thức, khả năng áp dụng kinh nghiệm đó.
Đối với nhận thức lịch sử mang tính phổ thông hay nhận thức lịch sử thiếu phê phán, có ba đặc trưng tiêu biểu:
·        Hiện đại hoá quá khứ.
·        Cách tiếp cận nhìn lại quá khứ đối với quá khứ – trong ngữ cảnh hiện tại, quá khứ ấy khơi gợi sự chú ý với tư cách là nguồn gốc của những hiện tượng hiện tại của đời sống xã hội.
·        Sử dụng một cách tự do những điều tưởng tượng và hình dung, nhằm tái tạo lại hàng loạt những hình mẫu của quá khứ.
Nhận thức mang tính phổ thông tìm kiếm ở quá khứ những ví dụ để mô phỏng và luận bàn. Điều này có nghĩa là lịch sử được lĩnh hội như một minh chứng cho những quan điểm luân lý, đạo đức trong những thời kỳ cụ thể. Các nhân vật lịch sử được miêu tả giống như những tấm gương của cách ứng xử xã hội, họ được thêm thắt cả những phẩm chất, những mẫu hình, mà đại diện của những quần hệ cụ thể cho là mẫu mực ứng xử của xã hội mình.
Nghiên cứu những ví dụ trong lịch sử châu Âu trung đại, vào thế kỷ XII, ở Đức (phần đất thuộc về nước Áo hiện nay), xuất  hiện một khối lượng khổng lồ các tác phẩm văn học – trường ca “Bài ca về Nibelungs[1] ("The Song of the Nibelungs"). Trong tác phẩm này thể hiện tri giác lịch sử của các dân tộc Đức (Giécmanh). Tuy nhiên, tri giác lịch sử đã bị thay đổi về mặt hình thức dưới sự tác động của những ý niệm luân lý, đạo đức, xã hội của tầng lớp  hiệp sĩ và thượng lưu trung đại. Phần trọng tâm của trường ca là hàng loạt những huyền thoại, truyền thuyết, câu truyện truyền miệng, kể về những diễn biến thăng trầm trong các cuộc đấu tranh của thần thánh, những nhân vật cổ tích và của con người, nhằm sở hữu báu vật thần kỳ bằng vàng – tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh. Một phần của những câu chuyện kể trên là các câu chuyện truyền miệng đã được biến thể, kể về thời kỳ của cuộc di trú vĩ đại, trong đó có cả sự kiện sụp đổ vương quốc cổ đại của người Burgundian[2] trước sự tấn công của tộc người Phổ (rợ Hung - Hun). Huyền thoại này đã bị thay đổi đáng kể ở thời kỳ trung đại so với dạng thái ban đầu của nó. Tất cả những tình tiết của những sự kiện không được ghi lại – nhân vật, nơi hành động, động cơ hành động – đều được hình dung giống như là sự hiện thân hiện thực của tầng lớp hiệp sĩ và quý tộc đang hình thành, tồn tại ở thời kỳ ấy.
Những nhân vật chính của trường ca - những ông vua của Burgundian, Siegfried[3] (những người Digphrid), những lãnh chúa của vương quốc kỳ diệu Burgundiones - được miêu tả trong “Bài ca về Nibelungs bằng sự thần thánh hóa một cách điển hình những nhân vật hùng mạnh và cao quý. Trong những câu chuyện truyền miệng của người Đức cổ, Siegfried tượng trưng cho nhân vật thần thánh - nhân vật không có nguồn gốc, xuất xứ, bộ lạc, có hàng loạt những khả năng siêu nhiên, biến hoá thành một hình mẫu lý tưởng của người cầm quyền: Hình tượng một hiệp sĩ dũng cảm, một chiến binh tinh nhuệ, người tinh thông mọi lễ nghi quý tộc. Tóm lại, Bài ca về Nibelungs” không chỉ đưa các cử toạ thượng lưu của nước Đức trung cổ  về với quá khứ xa xôi, mà còn thể hiện những nhân vật của mình giống như sự hiện thân của các ý niệm, khái niệm, hình dung của những quần hệ hiệp sĩ. Những biến đổi của các nhân vật lịch sử và huyền thoại là một hiện tượng hết sức bình thường trong nhận thức thời kỳ trung đại.
Hành động tương tự như thế không chỉ có các tác giả trung đại, mà còn cả những tác giả cổ đại và hiện đại. Trong những thể loại tác phẩm lịch sử  phổ biển ở thời kỳ hiện đại như là tiểu thuyết lịch sử, phim lịch sử và thậm chỉ là cả những bài báo, cuốn sách được xuất bản và công bố một cách rộng rãi giành cho đông đảo người đọc, thì những người thiên cổ, những nhân vật có thật hoặc  được tưởng tượng ra biến thành những điển hình có nhiều phẩm chất đạo đức cao quý – những phẩm chất mà các tác giả hoặc muốn biếu tặng cho các độc giả, hoặc ngược lại, có những hành vi đạo đức khiến họ muốn khước từ những hành vi đạo đức ấy. Không hiếm khi, các nhân vật trở thành những người anh hùng dân tộc: Được khoác cho những phẩm chất lý tưởng, họ được hình dung như là hiện thân của những phẩm chất, những giá trị vốn có của dân tộc này, hoặc dân tộc khác. Hành vi của họ được lý giải như là những cố gắng nhằm bảo vệ lợi ích dân tộc và chính trị của quần hệ.
Vào thế kỷ XIX – XX, ở châu Âu, không có một dân tộc nào là không sở hữu một “quỹ” các nhân vật – anh hùng dân tộc của mình. Những nhân vật lịch sử luôn thay đổi trong những hình dung và tưởng tượng của quần hệ, của xã hội, phục vụ cho hàng loạt những ý niệm chính trị – tư tưởng, chính trị - xã hội nhất định đang thịnh hành trong xã hội. Ví dụ, Karl Vĩ đại – người mà ở thời kỳ trung đại là một hình mẫu lý tưởng của người cầm quyền Cơ đốc giáo được hình dung cả trong nhận thức mang tính phổ thông và ở chừng mực nào đó, trong nhận thức khoa học của thời kỳ hiện tại như là người sáng tạo ra Nhà nước Pháp và là người sáng lập “châu Âu thống nhất”.  Ở Hoa Kỳ, những thủ lĩnh của cuộc chiến Mỹ vì độc lập được nhận tối huệ cao cả - người sinh ra và sáng lập dân tộc. Ở họ, người ta nhìn thấy hiện thân tư tưởng của một nhà nước mạnh, độc lập, dân chủ. Không ít trường hợp, việc lý tưởng hoá tương tự có mục đích bóc trần, lên án xã hội hiện tại, mà những khiếm khuyết và xuống dốc đạo đức của xã hội ấy đang cản trở một quá khứ hoàn mỹ, hài hoà. Theo quy luật, những phẩm chất được gán cho các anh hùng dân tộc có quan hệ xa xưa với nhân vật có thực và những điều kiện lịch sử của thời kỳ đó, khi mà họ thực sự tồn tại trên thực tế. Ngược lại, những hình mẫu “được tái tạo” bởi những nhà sử học thể hiện những ý niệm của xã hội hiện tại, hoặc là những ý niệm mà người ta muốn tiêm nhiễm cho phần lớn dân chúng trên phương diện chính trị - tư tưởng.
Quá khứ được sử dụng trong tri thức lịch sử không chỉ như là báu vật cho những tấm gương đạo đức, chính trị – tư tưởng. Người ta tìm kiếm trong quá khứ nguồn gốc của những hiện tượng đang diễn ra. Cách tiếp cận như vậy dẫn đến việc hiện đại hóa và một cách vô thức hay có ý thức, xuyên tạc, bóp méo bức tranh quá khứ. Những thời đại đã qua được nhận thức một cách tuyệt đối như là cái nôi, mà từ đó xã hội hiện tại được sinh ra. Kết quả là sơ đồ kế tục của những hiện tượng nhất định được xếp ra một cách nhân tạo, trong đó, những hiện tượng lịch sử được phân chia bởi những đặc trưng mà thế giới hiện tại  sinh ra và không có quan hệ nào với quá khứ.
Ví dụ, thế kỷ XIX, ở châu Âu, dưới danh nghĩa hình thành hệ tư tưởng nhà nước dân tộc: Dân tộc đã quy tụ trong khuôn khổ của sự xác lập chính trị thống nhất - được nhìn nhận như là hình thức chính, hoàn thiện hơn cả của tồn tại xã hội. Sự đoàn kết dân tộc và chính trị được giải thích như là cơ sở của sự phát triển văn hóa và soạn thảo ra những nhiệm vụ, mục đích chung. Sự khác nhau trong lợi ích dân tộc, trong lợi ích chính trị đã định sẵn tính chất và hình thức của mối quan hệ qua lại với những dân tộc khác. Quan điểm tương tự cũng đã gây tranh luận trong quá khứ, mà kết quả của nó là những phương hướng, ý nghĩa của sự phát triển lịch sử châu Âu được xem xét qua lăng kính hình thành dân tộc và sự phát triển tiến bộ của chúng trong khuôn khổ của sự xác lập chính trị thống nhất.
Những bộ lạc Đức thời kỳ của Cuộc di trú vĩ đại, những vương quốc man di, những quốc gia trung đại và chính thể quân chủ của cuối thời kỳ trung đại được nhận thức không với tư cách là những hình thức đặc biệt liên kết xã hội, mà mỗi hình thức của chúng vốn có những hình thái cá nhân của nhận thức luân lý và tổ chức chính trị. Tất cả được nhận thức chỉ giống như những giai đoạn của sự thống nhất dân tộc và nhà nước. Những cuộc chiến tranh của thời kỳ trung đại được gán cho những nguyên nhân giống như nguyên nhân của những mâu thuẫn, xung đột thời kỳ hiện đại. Đó là cuộc đấu tranh của những nhà nước dân tộc vì quyền lợi của mình.
Một ví dụ khác của sự tìm kiếm những nguồn cội cho hiện tại trong quá khứ chính là mong muốn tìm thấy ở quá khứ những tiền đề của nền dân chủ hiện nay. Với khuynh hướng này, người ta nghiên cứu các thiết chế của những thành phố – nhà nước, quốc gia[4] cổ đại, nước cộng hoà La Mã, những thành phố – công xã trung đại, các xã hội tổ chức theo kiểu đẳng cấp của xã hội hiệp sĩ trung đại. Tất cả những hiện tượng nhiều chủng loại và thuộc những thời đại khác nhau đều được gán cho những phẩm chất giống như những nguyên tắc tự do, dân chủ, công bằng giữa các thành viên trong xã hội, hay việc thông qua những quyết định quan trọng nhất bằng hình thức quyết định tập thể và công khai. Ở nước Nga hiện đại, bước ngoặt về phía hệ tư tưởng dân chủ và xã hội tự do thể hiện ở khát khao tìm được những tập quán tương tự trong lịch sử của mình. Tại đây, Veche (popular assembly) – Hội đồng nhân dân ở thành phố Novgorod thường được nhìn nhận với tư cách là ví dụ cho nền dân chủ chính trị cổ đại.
Tương tự, trong thế giới đương đại, bất cứ một liên minh hay phong trào xã hội nào cũng hướng đến việc tìm ra “những tổ tiên lịch sử” của mình. Phong trào đấu tranh đòi nam nữ bình quyền đặt mục đích: Một mặt, tìm ra trong lịch sử những ví dụ về vai trò to lớn và đặc biệt của phụ nữ; mặt khác, tuyên bố về sự thống trị toàn diện, bất bình đẳng, thiếu đạo lý của đàn ông trong đời sống xã hội - chính trị của những thời đại trước. Những nhà lý luận của những phong trào dân tộc, các cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số vì quyền dân tộc, hoặc tự do chính trị, đã sử dụng những sự kiện trong quá khứ xa xưa, những quyền và tự do của các dân tộc đã bị tước bỏ bởi những hành động bất công của dân tộc khác hoặc quốc gia khác, để bình luận, lý giải. Nói gọn lại, người ta hướng tới lịch sử, như là hướng tới sự bàn luận, luận giải, nhằm biện minh cho những kỳ vọng tư tưởng, kinh tế - xã hội cấp thiết hiện thời. Lịch sử được gắn cho luận cứ đạo đức và sự tồn tại lâu dài. Không hiếm khi kết quả cuối cùng được biết trước của những tư tưởng thiết yếu và cùng với nó là những khát khao, lại trở nên thiên lệch; quá khứ được phú cho những đặc điểm mà theo bản chất, nó bị tước mất.     
Ngoài ra, quá khứ nhiều khi cũng được luận bàn mơ hồ, mặc định và cứng nhắc. Ví dụ: Mong muốn, đòi hỏi của dân tộc nào đó đối với một lãnh thổ nhất định, nhất thiết phải loại trừ những sự kiện khẳng định quyền lịch sử của các dân tộc khác cũng trên lãnh thổ ấy. Sự nhận thức quá khứ như là truyền thống lịch sử, như là yếu tố lịch sử – những truyền thống, yếu tố biện minh cho khao khát và kỳ vọng của những dân tộc riêng biệt, hoặc những cộng đồng xã hội nào đó, chính là sản phẩm phi lý và thậm chí nguy hiểm của nhận thức mang tính phổ thông. Nó không thèm đếm xỉa đến tính phức tạp của những tiến trình lịch sử và đôi khi nó xuyên tạc, làm lệch lạc sự liên kết giữa các hiện tượng thuộc những thời đại khác nhau, tạo nên ảo tưởng đối với quá khứ, ảo tưởng đối với tính tất yếu của những quan điểm được sinh ra bởi những tình huống hiện tại.
Ngoài ra, những nhà sử học – những nhà nghiên cứu ủng hộ những nguyên tắc khách quan, đồng thời hướng đến sự phân tích sự kiện không mặc định, cũng rất khó khăn xoá khỏi nhận thức về quá khứ lớp mầu cảm tính và cũng rất khó bác bỏ sự luận giải những sự kiện đã qua giống như sự luận giải trực tiếp của các bậc tiền bối hiện thời.
Lịch sử có thể không thiên lệch hay không? Câu hỏi này trở thành câu hỏi nền móng đối với khoa học hiện đại. Tuy nhiên, chúng cũng đã được đặt ra cho các bậc tiền bối đi trước – những người có khả năng phân tích sự mơ hồ của quá khứ và những hiểu biết về nó một cách phê phán. Lịch sử chưa bao giờ có những tư liệu, tài liệu phục vụ việc nghiên cứu mà lại đã được chuẩn bị sẵn. Những sự kiện ẩn chứa trong tư liệu (trong các chứng cứ của quá khứ) đầu tiên cần phải được tập hợp lại và sau đó mới mang xử lý, phân tích.
Cả hai quá trình này (một xuất phát từ và một liên quan tới việc thu thập tư liệu) đều phụ thuộc vào việc nhà sử học đặt ra cho mình những nhiệm vụ nào? Trong sử liệu học hiện đại, có một quan niệm phổ biến là khác với những nhà chuyên môn của khoa học nghiên cứu thiên nhiên, các nhà sử học tự mình tạo ra tư liệu để nghiên cứu. Điều này không có nghĩa là họ làm sai lệch hoặc  bổ sung cho những tư liệu đó bằng cách nhận định chúng một cách tuỳ tiện. Tuy nhiên, vì tư liệu rất phong phú, đa dạng, nên các nhà sử học buộc chỉ thu nhận những thông tin nhất định.   
Câu hỏi là ở chỗ: Những tư liệu đầu tiên (những tư liệu có thực) hay là những công thức trí năng có sẵn trong công trình của nhà sử học – giống như nghịch lý nổi tiếng về gà và trứng? Bước vào việc nghiên cứu, nhà sử học cần đưa ra giả thuyết, hệ thống lý luận và khái niệm, mà thiếu nó, nhà sử học không thể bắt đầu công việc nghiên cứu các tư liệu của quá khứ. Trong giai đoạn luận giải và hệ thống hoá các tư liệu đó, kết quả công việc của nhà sử học lại càng phụ thuộc vào quan điểm khoa học, luân lý, đạo đức. Trong thái độ của mình đối với quá khứ, nhà sử học không thể không tuân theo nhu cầu phân tích khách quan, không sai lệch, song không có khả năng tuân thủ hoàn toàn phương pháp lịch sử trong nhận thức hiện thực lịch sử của mình. Những thời đại và xã hội khác nhau khêu gợi hứng thú nghiên cứu và sự quan tâm của nhà sử học là bởi mục đích đối chiếu, so sánh chúng với thời đại của mình. Giống như bất kỳ một người yêu thích lịch sử nào, giống như rất nhiều những bậc tiền bối xa xưa – những người không hề biết đến tính khoa học và phương pháp lịch sử, nhà sử học tìm kiếm trong quá khứ nguồn gốc những giá trị và hình mẫu của cuộc sống xã hội – những giá trị và hình mẫu quan trọng đối với xã hội hiện tại của họ. Trong lịch sử, nhà nghiên cứu tìm thấy những yếu tố của tổ chức xã hội giống, hoặc khác với những yếu tố được coi là nền tảng cho thời đại mà nhà sử học đang sống. Hiện tại giữ nguyên hình mẫu lý tưởng – hình mẫu mà nhà sử học tự mình tách ra khỏi nó trong khi lý giải quá khứ.
Một nhà sử học đương đại có thể tách khỏi những giá trị dân chủ, tự do cá nhân và không cứng nhắc trong nghiên cứu đời sống xã hội, chính trị cổ đại? Có thể nào những đặc điểm mà họ chỉ ra cho nền dân chủ sơ khai của Hy Lạp cổ đại và nền quân chủ chuyên chế phương Đông chỉ là một minh chứng đơn giản cho sự tồn tại của những hình thức nhà nước khác nhau? Có ý thức hay vô thức, nhà sử học nhìn thấy ở thế giới cổ đại những nét gần gũi và có ý nghĩa cho hình thức tổ chức đời sống xã hội mình, vì thế, nhìn nhận thế giới cổ đại như là thời tiền nhiệm của xã hội hiện đại và cùng lúc nhìn nhận các truyền thống phương Đông – truyền thống chệch khỏi con đường phát triển bình thường, một cách thực sự xa lạ. Khác với những người bình thường, nhà sử học có thể tự thoát ra khỏi cách nhận thức quá khứ mang tính cảm tính, thiên kiến một cách có ý thức. Tuy nhiên, nhà sử học không thể thoát khỏi chúng hoàn toàn.
Thành kiến đạo đức và chính trị của nhà sử học không chỉ thể hiện ở thời xa xưa, mà còn biểu hiện khá rõ ràng trong việc nghiên cứu quá khứ chưa mấy xa, mà xã hội hiện đại đang còn có sự liên quan gần gũi với quá khứ ấy. Nghiên cứu lịch sử Đệ tam Quốc xã (Đế chế Đức thứ III, 1933-1945), hoặc là thời kỳ Xô-viết trong lịch sử Nga có thể tiến hành theo nhiều hướng khác nhau, tuy nhiên, theo quy luật, những xét đoán chung như thế thể hiện quan điểm, tư tưởng của người nghiên cứu. Những phân tích sâu sắc nhất về nguyên nhân chủ quan và chính yếu sinh ra chủ nghĩa phát-xít hoặc chủ nghĩa Xtalin, đã gỡ bỏ đáng kể gánh nặng trách nhiệm đạo đức khỏi những người đã sống ở những thời kỳ này và nâng đỡ họ, song không thể tước đi của nhà nghiên cứu cái quyền định tính thời kỳ này như là một trong những thời kỳ đau xót nhất trong lịch sử dân tộc và nhân loại. Những đánh giá đó có thể được định hướng trong những điều kiện chính trị - tư tưởng thực tiễn. Dưới chế độ Đức quốc xã, những nhà sử học Đức có tư tưởng dân tộc vị kỷ hẹp hòi, tất yếu sẽ kiếm tìm trong quá khứ những bằng chứng chứng minh, ủng hộ cho tư tưởng về sự vượt trội, cội nguồn cao quý, thượng lưu của dân tộc mình với tư cách là một dân tộc đặc biệt. Được soi rọi bởi tinh thần tranh đấu cách mạng, những nhà sử học Xô-viết nhất định sẽ kiếm tìm trong lịch sử dân tộc những nhân vật anh hùng đã đấu tranh lật đổ chế độ thống trị. Đó là những cuộc khởi nghĩa nông dân, những cuộc chiến tranh nông dân, những nhà Cách mạng tháng Chạp, những nhà hoạt động cách mạng… - những sức mạnh thực hiện cuộc đấu tranh cách mạng và cách mạng xã hội. Với tư cách là bậc tiền bối và hình mẫu cho xã hội quân chủ, Ivan Groznui và Petr I- những nhân vật khét tiếng tàn bạo, đa nghi lại là những nhân vật lịch sử yêu quý của Xtalin.
Nói chung, có thể phân loại ba nhóm vấn đề có chung nguồn gốc xã hội – văn hóa và ảnh hưởng, định hướng cách đánh giá, nhìn nhận của nhà sử học đối với quá khứ:
·        Những quan điểm khoa học về sự phát triển xã hội, mà nhà sử học bị chi phối trong việc chọn lựa, phân tích, luận giải các sự kiện lịch sử.
·        Các nguyên tắc chính trị - tư tưởng xây dựng xã hội mà nhà sử học tiếp nhận với tư cách là khởi điểm của sự thống kê, nghiên cứu trong nhận thức quá khứ.
·        Thế giới quan cá nhân (quan điểm cá nhân) và quan điểm tư tưởng của nhà sử học.
Nhà sử học bị chế định bởi thời đại của mình và không thể hoàn toàn giải phóng khỏi nhận thức xã hội và hệ tư tưởng chính trị. Khoa học lịch sử, nhận thức đám đông đã dựng nên những huyền thoại về quá khứ và sử dụng nó để nhấn mạnh, để khẳng định những vấn đề thời sự nhất định. Tuy nhiên, trách nhiệm, danh dự nghề nghiệp của nhà sử học không cho phép họ đồng nhất quá khứ với hiện tại. Nhà sử học cần cân bằng giữa tính khách quan và niềm đam mê. Chỉ có nhà sử học mới có quyền năng đặt một rào chắn trên con đường sử dụng quá khứ như là những vật liệu phục vụ cho hệ tư tưởng và các huyền thoại xã hội dối trá.
Nguồn: Bản dịch một nội dung trong cuốn giáo trình: ИСТОРИЯ ИСТОРИЧЕСКОГО ЗНАНИЯ (tác giả: Репина Лорина Петровна, Зверева Вера Владимировна, Парамонова Марина Юрьевна).



Download toàn văn bài dịch tại: Trang Web TRI THỨC


[1] Trường ca của dân tộc Hung  thời kỳ trung đại, gồm có 18 đoản khúc.
[2] Một bộ tộc Đông Đức, người Buốcgônhơ.
[3] Nhân vật trong “bài ca về Nibelungs”.
[4] Cách thức tổ chức xã hội – kinh tế và chính trị đặc biệt của xã hội. Tiếng La tinh: Polis – thành phô - nhà nước, quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!