Lee Jong-Wha[1]
Hệ thống Bắc Triều Tiên hoạt động kém hiệu quả. Đất nước này
đang phải đối mặt với những thiếu thốn năng lượng nghiêm trọng và một nền kinh tế trì trệ từ
năm 1990.
Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Triều Tiên ước tính vào
khoảng 1.800
USD/năm, bằng 5%
thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc. Tình trạng thiếu lương
thực, thực phẩm đã khiến 24 triệu người bị thiếu đói;
25/1.000 trẻ sơ sinh tử vong (ở Hàn Quốc tỷ lệ này là 4/1.000). Để tồn tại, nền
kinh tế khép kín nhất thế giới buộc phải mở cửa.
Một Bắc Triều Tiên năng động, thịnh vượng,
hòa bình và ổn định sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho riêng bản
thân Bắc Triều Tiên, mà còn cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Sự sụp đổ bất ngờ của Bắc Triều Tiên hay một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo này sẽ làm suy yếu an ninh khu vực; đồng thời, trở thành gánh nặng cho các quốc gia láng giềng với hàng triệu người tị nạn và hàng trăm tỷ đô la chi phí xây dựng
lại. Do
vậy, cần thúc đẩy các tổ chức quốc tế và các nước láng giềng của Bắc
Triều Tiên cung cấp viện trợ lương thực, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư trực tiếp cho
đất nước này, để nó có thể thoát khỏi tình trạng
khó khăn hiện tại
và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, tồn tại
không ít trở ngại to lớn cho sự hợp tác này – đó là nền chính trị
không minh bạch và khó đoán trước của Bắc Triều Tiên, được minh chứng bằng việc
gần đây lãnh
đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã tử hình người chú
đầy quyền năng Jang Song – thaek.
Có vẻ như lãnh đạo Bắc Triều Tiên bắt đầu hiểu rằng, khó khăn hiện tại của mình xuất phát từ hệ thống kinh tế hết sức thiếu hiệu quả.
Trong bài phát biểu mới đây, Kim đã nhấn
mạnh sự cần thiết phải cải cách kinh tế và mở cửa để phát triển nông nghiệp và
các ngành công nghiệp
chế tạo. Trong một nỗ lực thu hút đầu tư nước
ngoài, chính phủ đã công bố thành lập mới 14 khu kinh tế đặc
biệt. Mặc
dù luôn bị chế định bởi ý thức tự bảo tồn, song nhiều khả năng các giới lãnh đạo
chính trị và quân sự Bắc Triều Tiên sẽ ủng hộ nỗ lực này, miễn là nó không làm suy yếu quyền lực của họ hoặc an ninh quốc gia.
Bắc Triều Tiên đã bắt đầu mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào năm
1984, khi chính phủ ban hành Luật liên doanh nước ngoài sau thành công của một
đạo luật tương tự ở Trung Quốc. Năm 1993, Bắc Triều Tiên tiếp tục nỗ lực này bằng
cách thiết lập các khu kinh tế - thương mại đặc biệt
Rajin-Sonbong.
Song các sáng kiến này vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể, vì các nhà đầu tư nước
ngoài luôn
cảnh giác và không muốn đầu tư vào một đất nước thiếu các
chính sách kinh tế - chính trị tin cậy, cơ sở hạ tầng lạc hậu và không có
các thể chế cần thiết hỗ trợ các dự án quy mô lớn.
Hiện giờ, Hàn Quốc nên làm theo cách của Việt Nam và Trung
Quốc, tiến
hành các
cải cách như bãi bỏ quy định lỗi thời, cứng nhắc, tự do hóa, tư nhân hóa và ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, phát triển một hệ thống pháp lý và thiết chế pháp lý phù hợp. Chính sách kinh tế hướng ngoại dựa trên thị trường là điều kiện tiên quyết
cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Bắc Triều Tiên.
Chắc chắn Bắc
Triều Tiên không thiếu tiềm năng tăng trưởng. Trong khi không có
nông nghiệp làm
cơ sở bước đầu thúc đẩy cải cách giống ở Trung Quốc và Việt Nam, nhưng lợi thế địa lý như cảng
biển tự nhiên và tài nguyên khoáng sản phong phú cho phép Bắc Triều Tiên tăng trưởng
dựa vào xuất khẩu.
Nguồn nhân lực qua
đào tạo tương đối dồi dào với mức lương thấp mang lại khả năng cạnh tranh quốc tế
cho các ngành công nghiệp chế biến như sản xuất giày dép, hàng dệt may và lắp ráp điện tử - đó là cơ sở để tiến hành công nghiệp
hóa dựa vào xuất khẩu. Thực hiện mục tiêu này, có thể sử dụng một cách hiệu quả
nguồn lực quân đội Bắc Triều Tiên, hiện chiếm tới hơn 8,5 % lượng lao động toàn đất nước.
Nếu như các điều kiện
liên quan được thỏa mãn, Bắc Triều Tiên có thể tận dụng con đường “rút ngắn” để
đẩy nhanh sự phát triển, bởi thu nhập bình quân đầu người thấp sẽ giúp tăng năng suất đầu tư và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ từ các nền kinh tế phát triển. Điều này hàm ý rằng, các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản có một vai trò
rất quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, khu công nghiệp
liên doanh Kaesong với 50.000 công nhân Bắc Triều làm việc là trường hợp hợp tác kinh tế duy nhất giữa hai miền Nam, Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên và Hàn
Quốc là đối tác thương mại tất yếu, tự nhiên. Năm 2012, thương mại liên Triều đạt 2 tỷ USD, chỉ chiếm 0,2% tổng thương mại của Hàn Quốc, nhưng chiếm đến 29% tổng thương mại Bắc Triều Tiên. Theo nhà kinh tế Marcus
Noland, quan hệ thương mại bình thường giữa hai miền có thể tăng thị phần thương mại
Hàn Quốc trong tổng thương mại Bắc Triều
Tiên lên
60%.
Với cam kết
cải cách kinh tế mạnh mẽ và mở cửa cùng với sự hỗ trợ quốc tế, Bắc Triều Tiên có thể
cạnh tranh với các nền kinh tế Đông Á thành công như Hàn Quốc với mức tăng trưởng hàng
năm hơn 5% trong vài thập kỷ tới.
Nhưng
hiện nay, có nhiều vấn đề trong tình hình Bắc Triều Tiên đáng
quan tâm hơn vấn đề kinh tế. Bắc Triều Tiên
rơi vào bế tắc trong quan hệ với cộng đồng quốc tế
- cộng đồng quốc tế muốn và đòi hỏi Bắc Triều Tiên
phi hạt nhân hóa và trở thành một nước "bình thường". Không sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên phải đối
mặt với lệnh trừng phạt kinh tế từ Hoa Kỳ với sự giúp đỡ công khai của các thành viên trong các tổ chức kinh tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và các tổ chức tài
chính khác.
Dù biết rằng, Bắc Triều Tiên khó
có thể tiến hành phi hạt nhân hóa,
song ít nhất trong tương lai gần, một chiến lược thích hợp là hết sức cần thiết. Cộng
đồng quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc, cần nỗ lực hỗ trợ Bắc Triều Tiên xây dựng một nền kinh tế cởi mở hơn dựa trên thị trường
thông qua mở rộng thương mại và đầu tư, trong khi tiếp tục đối
thoại hướng tới một thỏa thuận
về phi hạt nhân hóa. Theo thời gian, sự thịnh vượng và khả năng, xu hướng mở có thể mang lại những thay đổi về chính trị. Đối với những người dân Bắc Triều Tiên đang chịu nhiều đau khổ bởi hệ thống hiện
tại, một sự thay đổi như vậy
càng
hết sức cấp bách.
Mai Hoa dịch.
Nguồn: Lee Jong-Wha, Is North Korea Opening for Business? Project Syndicate, 16-1-2014.
Toàn văn tiếng Anh: http://www.project-syndicate.org/commentary/lee-jong-wha-advocates-a-chinese-style-period-of-economic-reform-and-liberalization-in-north-korea
Download bài viết tại: Trang Web TRI THỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!