Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

“VƯƠNG TRIỀU” TRUNG QUỐC KHÔNG BÌNH YÊN



Bùi Mẫn Hân[1] (Mai Hoa dịch)
Đôi khi những cuốn sách mà các nhà lãnh đạo cấp cao của quốc gia đọc có thể tiết lộ khá nhiều điều thú vị về những gì họ đang tư duy. Gần đây, một trong những cuốn sách mà một Ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (một nhân vật được Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn để chuyển giao quyền lực tại Đại hội XVIII, 8-2012) nghiền ngẫm có thể là một bất ngờ lớn - cuốn Chế độ cũ và cách mạng (tác giả: Alexis de Tocqueville). Nhà lãnh đạo này không chỉ nghiên cứu dự báo của Alexis de Tocqueville về những yếu tố xã hội vào đêm trước của cách mạng Pháp, mà còn chỉ dụ cho những đồng sự cùng đọc. Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao người lãnh đạo tương lai của đất nước Trung Quốc lại quan tâm đến những phân tích của một nhà kinh điển nước ngoài về cuộc cách mạng xã hội?
Câu trả lời thật đơn giản: Nhà lãnh đạo này có thể hoặc đã dự cảm, hoặc bằng những đoán định lý tính đã nhìn ra tình huống khủng hoảng đang đến gần và đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc giống như cuộc cách mạng Pháp từng đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của vương triều Bourbon.
Các dấu hiệu khủng hoảng đã hiện rõ: Dòng vốn chảy từ Trung Quốc ra nước ngoài đạt đỉnh cao kỷ lục. Những cuộc điều tra, phỏng vấn các nhà triệu phú đô la Trung Quốc cho thấy có đến một nửa trong số họ muốn di cư ra nước ngoài. Dưới áp lực đòi dân chủ hóa ngày một tăng, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ với con trai Cố Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang – nhà cải cách chính trị, biểu tượng đấu tranh cho tự do, dân chủ. Mặc dù không nên khoác lên một cuộc viếng thăm quá nhiều ý nghĩa, song có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc nhận thấy “Thiên triều” đang trở nên bất ổn.
Quan điểm cho rằng một cuộc khủng hoảng chính trị có khả năng nhấn chìm Trung Quốc trong những năm tới có thể khiến nhiều nhà kinh doanh, nhiều người trong giới lãnh đạo cấp cao phương Tây - những người luôn tin tưởng ở quyền lực và sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho là nhảm nhí. Trong tâm thức, họ luôn coi sự tồn tại và quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số xu hướng mới, dù chưa thật rõ nét, hoặc còn biệt lập, song đang làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực giữa Đảng Cộng sản và xã hội Trung Quốc theo chiều hướng Đảng mất dần sự tín nhiệm và quyền kiểm soát, còn xã hội thì đang tích thêm sinh lực và sự tự tin. Xuất hiện ngày càng nhiều thêm những nhân vật chính trị có uy tín cao trong xã hội, các doanh nhân thành đạt, các học giả, các nhà văn, nhà báo danh tiếng và các blogger có tầm ảnh hưởng xã hội. Cần nói thêm rằng, kể từ vụ thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược tích cực hơn đối với giới tinh hoa xã hội, nhưng những người như Shuli Hu (sáng lập hai tạp chí kinh tế có thương hiệu), Pan Shiyi (nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng), Yu Jianrong (một trí thức - nhà khoa học xã hội có tài), Wu Jinglian (nhà kinh tế hàng đầu), các blogger Hàn Hàn và Li Chengpeng… đã có những thành công nhất định, bảo vệ bản ngã và sự độc lập của mình.
Sử dụng lợi thế của Internet và weibo (tương tự Twitter), họ trở thành những chiến sĩ đấu tranh cho công bằng xã hội. Bằng đạo đức, sự can đảm, sức mạnh tinh thần và ảnh hưởng rộng rãi, họ đã có được sự ủng hộ của đông đảo các lực lượng xã hội (được tính bằng hàng chục triệu người theo dõi weibo của họ). Tiếng nói của họ có tác dụng hoặc định ra, hoặc điều chỉnh các khuôn khổ/điều kiện của các cuộc tranh luận về chính trị - xã hội, đẩy Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thế phòng thủ.
Sự phát triển của xu hướng đó, rõ ràng là đáng lo ngại. Hiện nay, một số vị trí lãnh đạo cao của nền chính trị Trung Quốc đã buộc phải nhường cho những lực lượng xã hội mà Đảng không thể kiểm soát nổi. Thời kỳ độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với đạo đức và uy tín xã hội đã qua rồi; hiện độc quyền quyền lực chính trị của Đảng đang bị đe dọa.
Đảng ngày càng mất tín nhiệm thậm chí đối với cả những người dân bình thường nhất. Nên nhớ rằng, những mờ ám, bí mật và thiên hướng dối trá của Đảng chỉ càng khiến cho niềm tin chao đảo. Trong khi đó, những thập kỷ gần đây, hàng loạt những vụ bê bối và khủng hoảng – liên quan đến an toàn cộng đồng- thực phẩm tăng trọng, thuốc giả, ô nhiễm môi trường – đã làm tan vỡ những niềm tin ít ỏi cuối cùng còn sót lại.
Trường hợp bán sữa trẻ con nhiễm độc năm 2008 và bưng bít tin tức vụ việc (xảy ra ngay trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh) không chỉ khiến nhiều trẻ em bị chết oan, mà còn làm cho những người dân thường Trung Quốc ngày càng thiếu tin tưởng ở chính quyền. Một trong những minh chứng điển hình là liên quan đến môi trường, người dân Bắc Kinh ngày càng tin tưởng những chỉ báo của Đại sứ quán Mỹ về chất lượng không khí (chạy trên bảng điện tử trước Đại sứ quán) hơn là những bản báo cáo về môi trường của chính phủ Trung Quốc.
Một chế độ mà sự tín nhiệm đã không còn, cái giá cho việc duy trì quyền lực là rất đắt - và cuối cùng không thể chịu đựng nổi - bởi vì chính quyền phải đàn áp ngày càng thường xuyên nặng nề hơn. Các cuộc bắt bớ, thanh trừng chỉ mang lại bất lợi cho Đảng do sự phát triển của yếu tố thứ ba có tính cách mạng: Sự suy giảm đáng kể sức mạnh tập thể. Các nhà chính trị chuyên chế chỉ giữ được chính quyền khi họ có thể chia rẽ nhân dân và đàn áp được các lực lượng chống đối có tổ chức. Mặc dù hiện nay Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa phải đối đầu với các lực lượng đối lập có tổ chức, song nó đang phải đối diện với các hoạt động chống đối có tổ chức diễn ra hàng ngày.
Theo thống kê của các nhà xã hội học Trung Quốc, mỗi ngày tại đất nước này diễn ra khoảng 500 các vụ bạo loạn, phản kháng tập thể và đình công, tăng gấp bốn lần so với một thập kỷ trước. Với hệ thống điện thoại di động và máy tính nối mạng một cách rộng rãi, việc vận động, tổ chức những người đồng chí hướng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn bao giờ hết. Sự phản kháng tăng mạnh cho thấy quần chúng ngày càng ý thức rõ hơn rằng, chính quyền không muốn phải đối đầu với những đám đông biểu tình giận dữ, có xu hướng lùi/chấp nhận những yêu cầu của họ. Trước một số cuộc phản đối tập thể - tranh chấp đất đai ở làng Ô Khảm (Quảng Đông), những cuộc đấu tranh liên quan đến môi trường ở Đại Liên (Liêu Ninh), Thập Phương (Tứ Xuyên)Khải Đông (Giang Tô), chính quyền đã phải có những nhượng bộ đáng kể.
Khi bạo lực của chính quyền không thể chống đỡ được khủng hoảng, những người lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc bắt đầu lo lắng cho tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù thầm lặng, nhưng cuộc cách mạng chính trị tại đất nước này vẫn đang tiếp diễn. Vấn đề đặt ra là liệu những nhà lãnh đạo Trung Quốc có quan tâm đến những dấu hiệu của nó, hay cố gắng duy trì một trật tự - như chế độ quân chủ Pháp đã từng làmsong vẫn không thể cứu vãn.

Nguồn: Minxin Pei: China’s Troubled Bourbons, Project Syndicate, 31-10-2012.

         Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC


[1] Giáo sư về quản trị tại Claremont MacKenna College và chuyên viên cao cấp không thường trú của Quỹ Marshall Đức tại Hoa Kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!