Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

TẠI SAO TRUNG QUỐC LẠI NUÔNG CHIỀU BẮC HÀN?



Jonathan D. Pollack[1]
Một tháng sau khi diễn ra việc tử hình Jang Song- thaek – nhân vật được biết đến với vai trò người lãnh đạo thứ hai của Bắc Triều Tiên tính theo tầm ảnh hưởng chính trị, Trung Quốc vẫn lúng túng trong quan hệ với người láng giềng “ẩn dật” đầy khiêu khích. Đây không phải là chuyện mới mẻ, mặc dù không bao giờ Bắc Kinh muốn thừa nhận điều đó. Từ lâu, Trung Quốc đã thất bại trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, phản ứng chính thức của Trung Quốc về cuộc đấu đá quyền lực của Bắc Triều Tiên được giới hạn chủ yếu ở những lời kêu gọi ổn định nội bộ mang tính công thức và khuôn mẫu. Trên thực tế, việc ông Jang Song- thaek bị thanh trừng đã gây ra sự quan ngại sâu sắc cho các nhà hoạch định chính sách cấp cao Trung Quốc, những người một lần nữa thấy mình đứng ngoài sự kiện.

Mọi bằng chứng đều cho thấy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã điếng người trước những gì xảy ra. Ngược lại, tình báo Hàn Quốc đã khám phá ra việc suy giảm quyền lực của Jang Song- thaek 5 hôm trước khi xảy ra sự kiện bi thảm ngày 8-12 tại cuộc họp Bộ Chính trị Bắc Triều Tiên.
Triều đại Kim có ý định che mắt Trung Quốc càng kỹ, càng lâu, càng tốt. Lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, đã từng thất vọng về Bắc Triều Tiên, bởi dù đã cố gắng, nhưng vẫn không thể biến sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của Bình Nhưỡng vào Trung Quốc thành những ảnh hưởng quan trọng khác.
Từ những năm tháng mở cửa, cải cách đầu tiên của Trung Quốc, dưới thời Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh đã nhiều lần thuyết phục Bắc Triều Tiên thực hiện dần dần những cải cách kinh tế, có quan hệ bình thường với thế giới bên ngoài và quan tâm hơn đến lợi ích của Trung Quốc. Bất chấp, Bắc Triều Tiên tiếp tục thể hiện tính cách riêng của mình, pha trộn giữa nhu cầu, sự thách thức và bất chấp, bao gồm cả việc lặp đi, lặp lại mối đe dọa nhằm vào Hàn Quốc, đẩy mạnh việc triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa, chống lại tất cả các cường quốc bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc. Ngoại trừ một vài bước đi khiêm tốn mang tính hình thức theo hướng kinh tế thị trường ở Bắc Triều Tiên, thì hơn ba thập kỷ qua, chính sách của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng không mấy dấu ấn thành công.
Ông Jang là kênh chính của Trung Quốc Bắc Triều Tiên. Tuy Jang không phải là người của Bắc Kinh, nhưng ông ta có kinh nghiệm và sự hiểu biết quốc tế sâu rộng hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Bình Nhưỡng. Việc Jang kiểm soát các hoạt động kinh tế ở Bắc Triều Tiên và các đặc khu kinh tế dọc theo biên giới Trung Quốc cho phép ông ta tích lũy đáng kể sức mạnh kinh tế.
Có thể, Bắc Kinh đã tính toán rằng, Jang chuẩn bị mở cửa một cách hạn chế Bắc Triều Tiên. Cũng có thể, người Trung Quốc đã nhìn thấy ở ông ta người bảo vệ tiềm năng đối với sự ổn định – sự ổn định mà Trung Quốc đã lâu công tìm kiếm, nhưng không tìm thấy.
Không nghi ngờ gì, trong nhiều thập kỷ đấu tranh chính trị không khoan nhượng ở Bình Nhưỡng, Jang đã kịp gây thù chuốc oán với không ít người. Trong giới cầm quyền Bắc Triều Tiên lan truyền tin đồn Jang gắn bó với lợi ích của Trung Quốc một cách thái quá. Sự giầu có của Jang cũng như những mối liên hệ của ông ta với Trung Quốc đã khiến Jang bại trận, khi Kim Jong-un, nhà lãnh đạo thứ ba của triều đại Kim, yêu cầu phân bổ lại nguồn lợi.
Tin tức cho biết, những quan chức Bắc Triều Tiên có liên quan đến Jang Song- thaek đều bị nghi ngờ, điều tra; những người khác thì bị thanh trừ hoặc tử hình. Phái ủng hộ hợp tác với Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm lớn trong điều kiện Kim Jong-un củng cố quyền lực của mình và đòi hỏi ở mọi tầng lớp lòng trung thành tuyệt đối. Không chỉ không còn những đồng minh tin cậy ở Bắc Triều Tiên, Trung Quốc lại còn phải đối phó với một nhà lãnh đạo trẻ tuổi bốc đồng, tự xem mình vĩ đại không mấy quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc.
Việc ông Jang bị thanh trừng là thất bại mới nhất trong một chuỗi dài thất bại chính sách của Trung Quốc ở Bắc Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích khẳng định, Bắc Triều Tiên là một vùng đệm, được Bắc Kinh sử dụng để bảo vệ khỏi áp lực của Mỹ. Nhưng ngược lại, trong nhiều trường hợp, người ta cũng cho rằng, đối với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc cũng là một quốc gia đệm, tạo động lực phát triển chính cho Bình Nhưỡng.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện đang khá táo bạo và quyết đoán, nhưng đối với bán đảo Triều Tiên, quan điểm của Trung Quốc có vẻ như khá mềm mỏng. Một câu hỏi đặt ra là tại sao Bắc Kinh tiếp tục có những biểu hiện thận trọng như vậy, thậm chí còn rụt rè? Một số người cho rằng, di sản chiến tranh Triều Tiên đè nặng lên tâm trí những nhà lãnh đạo thủ cựu trong Đảng Cộng sản và quân đội Trung Quốc. Thực ra, nguyên nhân sâu sa ở chỗ có một nỗi lo ngại làm Bắc Kinh trở nên kiềm chế. Trung Quốc sợ rằng hành động cực đoan, khó đoán định trước của người láng giềng được trang bị vũ khí tận răng với một lãnh đạo bài ngoại có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trên bán đảo - cuộc khủng hoảng sẽ nhanh chóng cuốn theo Trung Quốc. Chưa có những phương án hiệu quả kiểm soát hành vi của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc tránh làm bất cứ điều gì để có thể đẩy Bình Nhưỡng ra xa.
Luôn khẳng định muốn có quan hệ bình thường về mặt nhà nước với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc chưa chuẩn bị cho tình huống cô lập quan hệ với người láng giềng nhiều phiền hà, nhất là trong khi Trung Quốc cần đánh giá lại một cách nghiêm túc toàn bộ chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Hệ quả là Kim Jong-un thấy ít lý do phải làm theo lời khuyên của Trung Quốc, tiếp tục sốt sắng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều.
Tính thụ động của Trung Quốc trong quan hệ đối với Bắc Triều Tiên còn có thể bị chế định bởi những tính toán xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với Seoul. Ở thời điểm hiện tại, thương mại hai chiều Hàn Quốc - Trung Quốc đã vượt quá 250 tỷ USD, nhiều hơn thương mại Hàn Quốc với cả Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại (thương mại hai chiều của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên trị giá khoảng 6 tỷ USD). Tổng thống Hàn Quốc Park Geun –hye đã được chào đón nhiệt tình trong một chuyến thăm chính thức Bắc Kinh – nơi chưa có một lời mời tương tự đối với Kim Jong-un, thậm chí có thể tin rằng, nó khó có thể có.
Trung Quốc thực sự không yên tâm về những quyết định mạo hiểm và mục tiêu của Bắc Triều Tiên. Cuộc thanh trừng ông Jang nhắc nhở Bắc Kinh một cách rõ ràng về ảnh hưởng hạn chế của Trung Quốc tại Bình Nhưỡng. Mỹ và Hàn Quốc đều hy vọng nhiều hơn ở Trung Quốc, nhưng dường như Bắc Kinh bị tê liệt bởi sự do dự trong những chính sách của mình. Không chỉ riêng Trung Quốc gặp phải thất bại chính sách trên bán đảo Triều Tiên, nhưng những rủi ro của Trung Quốc ở Bắc Hàn cho thấy sự phóng đại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây. Nếu không có một cuộc thảo luận thẳng thắn giữa Bắc Kinh, Seoul và Washington, nguy cơ tiềm ẩn của mối đe dọa cao trên bán đảo này vẫn ở mức báo động.
 Hàn Quốc và Mỹ có vẻ đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại nghiêm túc với Trung Quốc. Chỉ có Bắc Kinh dường như chưa quyết định, dẹp sang một bên sự lo lắng về khả năng khủng hoảng – cuộc khủng hoảng mà nếu xảy ra sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì cho Trung Quốc.
Mai Hoa dịch. Nguồn: Jonathan D. Pollack, Why does China coddle North Korea? The New York Times, 12-1-2014.

Download bài dịch tại: Trang Web TRI THỨC


[1] Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Học viện Brooking và là tác giả của cuốn sách "Không lối thoát: Bắc Triều Tiên, vũ khí hạt nhân an ninh quốc tế" (“No Exit: North Korea, Nuclear Weapons and International Security”)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!