Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

TRI GIÁC LỊCH SỬ VÀ SỰ QUÊN LÃNG



Nguyễn Thị Mai Hoa (dịch)
Con người có sẵn trong mình thói quen là quên đi một số sự kiện và thổi phồng mức độ của những sự kiện khác (thêm, bớt chúng). Không phải ngẫu nhiên, những nhà nghiên cứu tri giác xã hội và nhận thức lịch sử cho rằng, trong các nghiên cứu đặc thù về hình dung quá khứ của những xã hội và những nền văn hóa khác nhau, cần tính đến tại sao và cái gì con người lãng quên? Nguyên nhân để các quần hệ này, hay quần hệ khác xoá khỏi tri giác tập thể những sự vật, sự kiện riêng biệt cho phép chúng ta hiểu được bằng cách nào các quần hệ này tư duy và xếp đặt vị trí của mình trong lịch sử. Sự lãng quên một số khía cạnh của quá khứ diễn ra theo nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, con người có thể đã không biết hết những tình huống và sự kiện riêng biệt. Trong chiều dài hàng trăm năm lịch sử, lịch sử của nhiều vùng miền và nhiều dân tộc đã hoàn toàn biến mất. Theo quy luật, lịch sử thường bị đánh mất trong những giai đoạn chưa phát triển hình thức ghi chép lại sự kiện lịch sử. Ví dụ, với những nỗ lực rất lớn, bằng con đường giả định, giả thuyết và suy đoán lôgíc mới dựng lại được lịch sử của nhiều bộ lạc, tộc người - nguồn gốc của các dân tộc châu Âu hiện đại. Chúng ta chỉ có những mẩu tư liệu rời rạc, được những người chứng kiến ngoài cuộc để lại về cách tổ chức xã hội, chính trị và những tín ngưỡng tôn giáo của bộ lạc Kent, các bộ lạc Giécmanh, Xlavơ; về các sự kiện quan trọng, các nhân vật điển hình ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các tộc người này. Những ví dụ như vậy có thể kể ra vô số ở những vùng, miền khác nhau của hành tinh, trong đó có các dân tộc châu Phi, Nam Mỹ - chỉ sở hữu những tư liệu không đáng kể, ghi một sự tồn tại của mình vào khoảng thời gian vài trăm năm trước đây. Những dân tộc không sở hữu hệ thống tư liệu ghi lại quá khứ của mình gọi là dân tộc “bị tước mất lịch sử” - điều đó không có nghĩa là những dân tộc này không có quá khứ, mà họ chịu sự tổn thất hoặc đánh mất tri giác về quá khứ.
Thứ hai, sự tổn thất tri giác về quá khứ có thể đã có mối liên hệ với quá trình tự nhiên biến mất những tư liệu về các hiện tượng khác nhau trong nhận thức của con người và xã hội. Tri giác của cá nhân và tri giác tập thể của quần hệ không thể lưu giữ mãi một số lượng lớn thông tin về những sự kiện lịch sử phong phú, đa dạng. Sự lãng quên – vũ khí tự bảo vệ của loài người. Cùng với quá trình xoá bỏ những thông tin riêng biệt từ tri giác cộng đồng, tồn tại một quá trình chọn lựa có ý thức những thông tin được con người cho là quan trọng, từ đó được gìn giữ, bảo tồn và truyền lại cho đời sau. Phương thức, kỹ thuật chọn lựa thông tin có giá trị, có chất lượng và nguyên tắc sàng lọc những thông tin không cần thiết rất khác nhau. Chúng phụ thuộc vào trình độ và loại hình phát triển của xã hội, hoặc của những nhóm xã hội. Những thông tin về quá khứ được bảo tồn bởi những người châu Âu trung đại hoặc những người châu Âu hiện đại, những người Do Thái cổ đại, hay những nhà sử học cổ đại được lựa chọn theo những tiêu chí rất khác nhau. Những sử gia tu sĩ, những nhà chép sử phả hệ của các gia đình quý tộc, hay những nhà sử học hiện đại đều có sự khác biệt nhất định và khá lớn trong lựa chọn thông tin, tư liệu nghiên cứu. Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả đều thừa nhận tầm quan trọng của các sự kiện, hiện tượng lịch sử được định vị (được lựa chọn) và loại trừ khỏi phạm vi chú ý của mình tập hợp các sự kiện còn lại. Không hiếm những sự kiện lịch sử được coi là “bị quên lãng”, bị các nhà sử học của những thế kỷ trước không chú ý đến, lại quay trở lại với thực tiễn cuộc sống, trở thành đối tượng của nhận thức xã hội và tri giác lịch sử.
Thứ ba, sự quên lãng quá khứ cũng có thể là kết quả của những thao tác có ý thức của dư luận/nhận thức xã hội với cơ sở chính trị - tư tưởng hoặc ý thức hệ. Ví dụ như nền sử học Nga không bao xa trước đây là một minh chứng sinh động và bi thảm về sự phá hủy, huỷ diệt tri giác lịch sử. Không chỉ có sử liệu học chính thống, mà cả các nhận thức lịch sử mang tính phổ thông cũng bị đẩy lùi tới vài chục năm khỏi tri giác tập thể bởi những nhân tố như bắt bớ, huỷ diệt, tiêu diệt con người và hàng loạt các quần hệ người. Tuy nhiên, trò đùa bi kịch đó của nước Nga – một đất nước với quá khứ khó đoán định là một lời cảnh báo có ý nghĩa to lớn. Lịch sử của nhiều thời đại và nhiều dân tộc khác cũng đã từng chứng kiến những vấn đề tương tự - sự lãng quên quá khứ một cách có ý thức. Mục đích “xoá bỏ” tri giác lịch sử rất khác nhau. Tự tôn và tự hào dân tộc tạo điều kiện cho sự im lặng/che dấu những sự kiện lịch sử “khó coi”. Hoặc điển hình là việc những kẻ chiến thắng huỷ diệt những di tích lịch sử của những kẻ chiến bại: Xóa bỏ hoàn toàn mọi dấu vết về sự tồn tại của địch thủ cần được tiến hành đến tận tri giác của thế hệ hậu sinh, qua đó làm cho chiến thắng trước kẻ thù trở nên triệt để hơn và không bị lật ngược.
Sự quên lãng – một yếu tố thiết yếu, không tách rời của tri giác lịch sử. Bản chất và chức năng của hiện tượng này chưa được đánh giá một cách thống nhất. Một mặt, nó làm sai lệch/méo mó hình ảnh của quá khứ - những mẫu hình đang tồn tại hoặc được phục dựng trong nhận thức của thế hệ hậu sinh; mặt khác, không có sự lãng quên, sự xoá bỏ những tư liệu, những thông tin thừa, sẽ không thể phục dựng một cách đầy đủ, toàn diện bức tranh lịch sử với logic nội tại của nó và lịch sử sẽ rơi vào tình trạng mung lung, hỗn loạn, chồng chất các sự kiện lịch sử.
Tri giác lịch sử và sự luận giải quá khứ
Hình mẫu của quá khứ, tồn tại trong nhận thức xã hội, được xác định không chỉ bởi sự tập hợp những tư liệu còn lại, mà cả những nhận thức về chúng. Không có khái niệm thống nhất về ý nghĩa của những hiện tượng lịch sử. Những dạng thức cơ bản của nó có thể được xác định bằng những hình mẫu sau:
·        Ý nghĩa tự thân của hiện tượng lịch sử, bối cảnh lịch sử của nó.
·        Ý nghĩa của hiện tượng lịch sử mà thế hệ hậu sinh gán cho nó, có tính đến viễn cảnh thời gian xa xôi và những bước đi nối tiếp của sự kiện lịch sử.
·        Ý nghĩa mà những cá nhân, hoặc những quần hệ xã hội muốn khoác cho nó. Họ muốn sử dụng quyền uy của quá khứ vào những mục đích chính trị, tư tưởng của mình.
Trên thực tế, những phương thức xác định ý nghĩa lịch sử của sự kiện lịch sử, hiện tượng lịch sử thường thường được tích hợp lại. Vậy cái gì cần được coi là ý nghĩa của sự kiện lịch sử và hiện tượng lịch sử? Một trong những câu trả lời có thể - đó là cái mà con người của thời đại ấy hiểu và đánh giá như thế nào. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Trong một chừng mực nhất định, ý kiến của họ có khách quan, toàn diện và có khả năng thoả mãn thế hệ hậu sinh – những người xem xét quá khứ thông qua lăng kính kinh nghiệm lịch sử của mình, đồng thời sở hữu công cụ trí tuệ khác?  Ngoài ra, quan điểm của con người của thời đại đã qua có thể rất khác nhau. Chúng không chỉ mâu thuẫn nhau, mà còn hoàn toàn trái ngược nhau trong lĩnh hội, trong nhận thức cùng một hiện tượng, sự kiện. Sự đánh chiếm của những bộ tộc tàn bạo vào lãnh thổ phía Bắc của đế chế La Mã được miêu tả một cách truyền thống trong các sách giáo khoa, giáo trình lịch sử như là quá trình diệt vong của nền văn minh cổ đại và đồng thời như thời kỳ của cuộc di trú vĩ đại[1]. Trong những công thức quen thuộc của khoa học lịch sử đương đại, những nhà nghiên cứu đương đại đã bảo tồn tính hai mặt trong việc nhận thức sự kiện lịch sử. Đối với những nhà nghiên cứu của thời kỳ văn minh cổ đại, thắng lợi của những đội quân tàn bạo cũng đồng nghĩa với sự diệt vong quen thuộc, tất yếu của trật tự thế giới. Họ có thể đánh giá sự sụp đổ của Nhà nước La Mã rất khác nhau, hoặc như là một thảm hoạ, hoặc như là sự tu chỉnh những cơ sở của nền văn minh, hay như là một sự trừng phạt khắc nghiệt, nhưng công bằng của ông Trời, thần thánh đối với đế chế vĩ đại này vì lòng tự tôn và sự bất kính. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, người ta cũng nhìn thấy ở sự sụp đổ đó sự đổ vỡ của thế giới vạn năng. Bằng cách khác, những tri giác lịch sử, xã hội của bộ tộc Giécmanh đã bảo tồn những sự kiện này. Dân tộc Giécmanh đã dựng lên hàng loạt những thần thoại, huyền thoại, truyền thuyết với những nhân vật, lãnh tụ có lòng dũng cảm và quả cảm tuyệt vời. Trong chiều dài hàng trăm năm, những huyền thoại này tiếp tục được lĩnh hội thông qua văn hóa dân gian và văn hóa truyền thống châu Âu thời kỳ trung đại. Bằng sự hiện diện trong tri giác xã hội, chúng thể hiện sự nhận thức về thời kỳ các đội quân man di chiếm đoạt Đế chế với tư cách là một thời kỳ lịch sử hào hùng, vĩ đại của các bộ tộc Giécmanh. Người nào trong số họ – trí thức La Mã, người truyền giáo hay kẻ xâm lược man di – sẽ có những đánh giá chính xác hơn về sự kiện, hiện tượng lịch sử? Sự nhận thức hoặc logic luận giải nào sẽ thoả mãn được những con người đương đại yêu thích lịch sử và cả các nhà chuyên môn một cách tuyệt đối?
Nói chung, những con người đương đại, những người chứng kiến, hoặc thế hệ đi sau gần cận, đều không thể đưa ra một hình dung toàn diện và đầy đủ về các sự kiện lịch sử, hay thực trạng xã hội. Theo nguyên tắc, trong khi họ quá hướng tới những phương diện riêng biệt của hiện thực, họ sẽ không thể tập trung cao độ sự chú ý đến tất cả hiện tượng lịch sử. Trong bất cứ trường hợp nào, họ đều bị gắn chặt quá mức với những hiện thực của thời kỳ lịch sử, nhằm đánh giá nó một cách khách quan hay loại bỏ. Thế hệ hậu sinh có điều kiện và khả năng rất lớn để nhận thức quá khứ một cách công bằng. Họ có thể nghiên cứu những hiện tượng, sự kiện, hoạt động của con người, những biểu hiện riêng rẽ của đời sống con người trong những bối cảnh rộng lớn, làm sáng tỏ những tiền đề và hệ quả của sự vật, hiện tượng. Mặt khác, những kết luận, đánh giá của họ có mang lại sự khắc hoạ chính xác “ý nghĩa bên trong” của sự vật, hiện tượng hay không? Bất kỳ một người bình thường hay những nhà chuyên môn, khi phân tích các hiện tượng lịch sử, đều có thể tìm thấy vô số những sự kiện, những yếu tố gắn bó, tác động và việc thống kê, đánh giá vai trò của mỗi yếu tố, sự kiện là rất khác nhau.
Trở lại với thời kỳ suy vong của đế chế La Mã và thời kỳ xâm lược của các đội quân man di, cần phải chỉ rõ rằng, sự kiện này được xem xét như là một tác nhân kích thích, dẫn đến việc xuất hiện sự suy tàn bên trong của thể chế nhà nước cổ đại, của hệ thống kinh tế, xã hội và phản ánh sự cứng nhắc trong các hệ thống chính trị La Mã - hệ thống sống sót sau sự xâm lược của những đội quân man di và sau đó hoà tan một cách hoà bình vào các tổ chức của xã hội châu Âu trung đại. Sự kiện đó cũng được coi  như một minh chứng cho sự thay đổi bên trong của những bộ lạc man di, hay như một cú hích mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các bộ tộc Giécmanh vượt qua sự trì trệ, bảo thủ trong sự tồn tại mang tính truyền thống của mình. Chia sẻ với lòng tự tôn dân tộc của người Giécmanh, những nhà nghiên cứu đã nhìn thấy trong những hành động của các bộ lạc man di tinh thần anh dũng và sự quả cảm chiến trường - cái chỉ có ở dân tộc Giécmanh như là thuộc tính dân tộc. Những nhà nghiên cứu ôn hoà hơn có thể công bằng và bình tĩnh lý giải những quy ước chiến tranh của người Giécmanh cổ đại, hoặc nhìn chung, nhìn thấy trong cơ chế hoạt động của chúng những biểu hiện của nhận thức man di và tổ chức xã hội.
Những đánh giá như thế mâu thuẫn với nhau, khắc họa theo nhiều cách khác nhau ý nghĩa của những quá trình lịch sử xuất phát từ những hiện tượng, sự kiện được nghiên cứu. Trên thực tế, bình diện, phổ tranh luận, sự khác nhau một cách sâu sắc giữa chúng to lớn vô song. Với quan điểm: Sự vật, hiện tượng được nghiên cứu đã bám rễ, ăn sâu trong quá khứ và ảnh hưởng đến những chuyển động tiếp theo của lịch sử, thì cuối cùng, ý nghĩa của chúng cũng bị phụ thuộc vào việc bằng cách nào, mối quan hệ tác động giữa các sự kiện được xác định và chúng đã lùi vào quá khứ hoặc cách xa tương lai bao xa khỏi đối tượng đang được nghiên cứu? Ý nghĩa của sự kiện, hiện tượng phụ thuộc vào việc con người xác định nguyên nhân và hậu quả của những sự kiện, hiện tượng ấy như thế nào (tri thức lịch sử chưa từng biết đến một công thức cụ thể để xác định quan hệ phụ thuộc giữa những hiện tượng lịch sử)? Ở mức độ này, hay mức độ khác, trong các tranh luận về quá khứ, sự ưa chuộng mang tính thế giới quan và tư tưởng như thuộc tính tôn giáo, sự tán đồng với những học thuyết xã hội và các lý thuyết chính trị nào đó, sự trung thành với những lý luận phát triển xã hội nhất định… ngày càng được giảm bớt. Cạnh đó, luôn tồn tại một câu hỏi: Có hay không trong các sự kiện của quá khứ một ý nghĩa lịch sử đặc biệt nào đó? Chúng có là kết quả của sự quy tụ ngẫu nhiên các bối cảnh?
Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện không thể tuyệt đối khách quan, toàn diện, triệt để. Trong nhận thức lịch sử, hiện tượng, sự kiện của quá khứ thường được phục dựng dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng, nhận thức, hình dung,  những sở thích mang tính ý thức hay vô thức và tính cấp thiết đối với xã hội đang nghiên cứu chúng. Muốn hay không, hình mẫu của quá khứ được vẽ lại luôn thể hiện các lợi ích của chúng ta.
Nguồn: Bản dịch một nội dung trong cuốn giáo trình: ИСТОРИЯ ИСТОРИЧЕСКОГО ЗНАНИЯ (tác giả: Репина Лорина Петровна, Зверева Вера Владимировна, Парамонова Марина Юрьевна).

Download toàn văn bài dịch tại: Trang Web TRI THỨC


[1] Cuộc di trú vĩ đại: Cuộc hoà trộn dân tộc ở châu Âu tư thế kỷ IV-VI. Cuộc hoà trộn dân tộc này đã làm sụp đổ đế chế  Tây Hy Lạp – La Mã và ảnh hưởng đến hàng loạt lành thổ Đông Âu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!