Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

LỊCH SỬ LÀ GÌ?



 Nguyễn Thị Mai Hoa (dịch)
Các khái niệm và những vấn đề lịch sử
Trong hầu hết các ngôn ngữ châu Âu, thuật ngữ “lịch sử” có hai nghĩa chính: Thứ nhất, dùng để chỉ quá khứ của con người; thứ hai, dùng để chỉ thể loại văn trần thuật và trong không ít trường hợp để chỉ câu chuyện kể về những sự kiện hoang đường nào đó. Ở nghĩa thứ nhất, “lịch sử” được hiểu là quá khứ trong nghĩa rộng nhất của từ này - toàn bộ những hoạt động của loài người. Ngoài ra, khái niệm “lịch sử” còn nhằm nói đến những tri thức, những hiểu biết về quá khứ  và có nghĩa là toàn bộ những hình dung, những ý niệm mang tính xã hội về thời gian đã qua. Trong trường hợp này, đồng nghĩa với từ “lịch sử” có thể đưa ra các khái niệm “ký ức lịch sử”, “nhận thức lịch sử”, “tri thức lịch sử” và “khoa học lịch sử”.

Những hiện tượng lịch sử mà những khái niệm trên biểu hiện có mối quan hệ chặt chẽ và việc phân định rạch ròi ranh giới giữa chúng rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Nhìn chung, đối với hai khái niệm đầu tiên (“ký ức lịch sử”, “nhận thức lịch sử”), trong phần lớn các trường hợp là nói đến sự hình thành những hình dung về quá khứ một cách tự phát. Trong khi đó, hai khái niệm sau (“tri thức lịch sử” và “khoa học lịch sử”) chủ yếu nói đến cách tiếp cận mang tính toàn diện, hệ thống, phê phán đối với sự nhận thức và cách đánh giá các hiện tượng lịch sử.
Cần lưu ý rằng, thuật ngữ “lịch sử” hàm chỉ những hiểu biết về quá khứ, nhưng trong mức độ đáng kể cũng ẩn chứa ý nghĩa trần thuật của nó. Nhận thức quá khứ và sự hình thành những nhận thức này trong hình thức thông tin truyền miệng, hoặc văn bản luôn đề cập đến những sự kiện, hiện tượng, mổ xẻ, phân tích quá trình hình thành, phát triển, sự liên hệ kịch tính, cũng như ý nghĩa của nó. Từ xa xưa đến tận bây giờ, lịch sử với tư cách là một hình thức đặc biệt của nhận thức con người hình thành trong khuôn khổ của các sáng tác văn học và luôn có sự liên hệ với văn học.
Theo tính chất của mình, nguồn sử liệu rất phong phú, đa dạng: Di tích chữ viết, chuyện kể truyền miệng, những tác phẩm văn hóa vật chất và nghệ thuật. Số lượng của chúng nhiều ít khác nhau trong những thời kỳ lịch sử khác nhau. Có những thời kỳ, số lượng của chúng vô cùng hiếm hoi, những cũng có những thời kỳ, số lượng của chúng hết sức to lớn, đồng thời phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, các tư liệu lịch sử không dựng lại quá khứ như đã có một cách chính xác, thông tin chúng mang lại không trực tiếp. Đối với các thế hệ sau, đó chỉ là những mẩu đứt đoạn, những mảnh vụn của bức tranh quá khứ đã qua. Để dựng lại những sự kiện lịch sử, thông tin về quá khứ cần được làm sáng tỏ, giải mã, phân tích và thuyết minh. Nhận thức quá khứ liên quan tới thể thức tái tạo nó. Nhà khoa học hay bất kỳ người nào quan tâm đến lịch sử, không chỉ đơn thuần khảo sát, khảo cứu đối tượng, mà mục đích cuối cùng là phải dựng lại, mô tả được nó. Đây chính là điều khác biệt lớn nhất giữa đối tượng của nhận thức lịch sử với đối tượng của khoa học chính xác – nơi mà bất cứ hiện tượng nào cũng được nhận thức, được lĩnh hội như là hiện thực tuyệt đối, thậm chỉ cả khi nó chưa được nghiên cứu hoặc chưa được giải thích sáng rõ.
Nhận thức lịch sử được hình thành từ thời cổ đại, trong quá trình phát triển của xã hội và nhận thức xã hội. Sự quan tâm của cộng đồng con người đối với quá khứ của mình trở thành một trong những biểu hiện của khuynh hướng tiến tới tự nhận thức và tự quyết. Cơ sở của sự quan tâm ấy hàm chứa hai nguyên nhân liên quan chặt chẽ với nhau: 1- Mong muốn được bảo tồn những điều đáng ghi nhớ, những di tích cho đời sau; 2- Khao khát lý giải hiện tại thông qua kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Suốt toàn bộ trường kỳ lịch sử nhân loại, ở những thời đại, những nền văn minh khác nhau, sự quan tâm đối với quá khứ không những chỉ khác nhau ở về mặt hình thức, mà còn khác nhau cả về mức độ. Hiện nay, một tranh luận tương đối phổ biến, thu hút sự quan tâm chung trong khoa học hiện đại là giả thuyết về việc chỉ có trong văn hóa châu Âu - văn hóa có nguồn gốc từ văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại, sự nhận thức quá khứ mới có ý nghĩa xã hội và chính trị đặc biệt quan trọng. Tất cả thời kỳ hình thành nền văn minh châu Âu: Cổ đại, trung đại, hiện đại đều ghi dấu sự quan tâm của xã hội, của các nhóm và các cá nhân đối với quá khứ. Phương thức lưu giữ quá khứ, sự nghiên cứu quá khứ, sự trần thuật về nó thay đổi liên tục trong suốt quá trình phát triển của xã hội. Cái không thay đổi chính là truyền thống, thói quen tìm kiếm ở quá khứ những câu trả lời cho những vấn đề đang hiện hữu trong thế giới hiện tại. Những nhận thức lịch sử không chỉ đơn giản là những bộ phận, những nhân tố cấu thành của văn hóa châu Âu, mà nó còn là một trong những nguồn gốc quan trọng nhất để hình thành nên nền văn hóa ấy. Hệ tư tưởng, hệ giá trị, hành vi xã hội… được định hình, được hình thành phù hợp với với cách thức mà người đương thời hiểu và giải thích quá khứ của mình.
Nói chung, từ những năm 60 của thế kỷ XX, khoa học lịch sử và nhận thức lịch sử đã trải qua một giai đoạn đầy biến động với việc phá vỡ truyền thống và các khuôn mẫu được hình thành trong xã hội châu Âu cận đại trong các thế kỷ XVIII -  XIX. Trong những thập niên gần đây, chẳng những xuất hiện những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu lịch sử, mà còn xuất hiện những quan điểm cho rằng, quá khứ có thể diễn giải một cách vô tận. Quan điểm về quá khứ nhiều tầng nấc đưa ra giả thuyết không tồn tại một “lịch sử” thống nhất, mà tồn tại vô số của “những lịch sử” riêng biệt. Sự kiện lịch sử chỉ có tính hiện thực trong trường hợp nó trở thành một phần của ý thức con người. Cái vô số của “những lịch sử” được nảy sinh không chỉ bởi tính phức tạp của quá khứ, mà còn bởi tính đặc thù của nhận thức lịch sử. Luận điểm cho rằng, nhận thức lịch sử thống nhất và được định dạng bằng một tập hợp các phương pháp và công cụ nhận thức đã không được phần lớn cộng đồng khoa học thừa nhận. Nhà sử học có quyền tự lựa chọn đối tượng nghiên cứu, cũng như công cụ trí lực.
Trong những tranh luận hiện nay về ý nghĩa của lịch sử với tư cách là một khoa học, có hai câu hỏi chính yếu: 1-Tồn tại hay không một quá khứ thống nhất, một quá khứ mà nói về nó, các nhà sử học cần phải nói đúng sự thật, hay quá khứ ấy được chia thành số lượng vô hạn của “những lịch sử” phụ thuộc vào những luận giải, phân tích? 2- Liệu các nhà nghiên cứu có cơ hội để hiểu được ý nghĩa thực sự của quá khứ và phản ánh chân thực quá khứ hay không? Cả hai câu hỏi này đều liên quan đến những vấn đề căn bản nhất của lịch sử với sứ mệnh xã hội tiền định và “sự hữu dụng” mà nó mang đến cho xã hội. Nhận thức rằng, những nghiên cứu lịch sử có thể được xã hội sử dụng trong thế giới hiện tại phức tạp, không ngừng vận động đã buộc các nhà khoa học hết lần này đến lần khác phải trở lại với việc phân tích cơ chế của nhận thức lịch sử, tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Bằng cách nào và với mục đích gì thế hệ trước đã nghiên cứu, nhận thức quá khứ. Đối tượng của môn học – lịch sử với tư cách là một quá trình nhận thức quá khứ.
Nhận thức lịch sử và tri giác lịch sử
Lịch sử với tư cách là quá trình nhận thức quá khứ, bao gồm sự sàng lọc và bảo tồn thông tin về quá trình ấy - là một trong những biểu hiện của tri giác xã hội, khả năng gìn giữ, chắt lọc kinh nghiệm của mình và của các thế hệ đi trước. Tri giác (ký ức) được xem như là một trong những phẩm chất, những đặc điểm riêng biệt của con người, cơ sở quan trọng của việc tự nhận thức bản thân và tự quyết cá nhân. Con người không có tri giác sẽ đánh mất khả năng tự nhận thức bản thân, đánh mất khả năng xác định vị trí của mình giữa những người khác trong cộng đồng. Tri giác giúp con người tích lũy kiến thức và nhận thức thế giới, nhận thức những tình huống khác nhau mà con người có thể rơi vào; giúp nhận thức những cảm xúc và những phản ứng xúc cảm của mình; cho con người những thông tin cần thiết để ứng xử thích hợp trong các tình huống bất thường hoặc thông thường. Tri giác có sự khác biệt rõ rệt so với những nhận thức trừu tượng: Đây chỉ là những hiểu biết mà con người đã trải qua và cảm thấy, mang tính cá nhân, hoặc chỉ là những kinh nghiệm sống của con người. Nhận thức lịch sử - bảo tồn và giải thích kinh nghiệm lịch sử của xã hội – đó là tri giác tập thể của xã hội.
Nhận thức lịch sử hay tri giác tập thể của xã hội không thống nhất cũng như tri giác cá nhân của con người. Để hình thành tri giác lịch sử cần có ba điều kiện quan trọng: 1- Sự lãng quên quá khứ; 2- Những phương thức luận giải khác nhau về một hoặc nhiều sự việc, sự kiện; 3- Sự khám phá những hiện tượng, sự kiện quá khứ dưới tác động từ những vấn đề nóng bỏng của đời sống hiện tại.

Nguồn: Bản dịch một nội dung trong cuốn giáo trình: ИСТОРИЯ ИСТОРИЧЕСКОГО ЗНАНИЯ (tác giả: Репина Лорина Петровна, Зверева Вера Владимировна, Парамонова Марина Юрьевна).

Download toàn văn bài dịch tại: Trang Web TRI THỨC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!